Ngày 19 tháng 01 năm 2021, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Kon Tum đã xây dựng Kế hoạch số 10/KH-BCĐ về việc triển khai hoạt động của Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh năm 2021
Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định các nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo trong năm 2021; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, triển khai, thực hiện có hiệu quả các hoạt động, nội dung quản lý nhà nước về gia đình năm 2021 hướng đến các mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm về công tác gia đình năm 2021 như:
Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát huy hiệu quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo các Kế hoạch dài hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác gia đình trong năm 2021 và tầm nhìn trong giai đoạn tiếp theo, cụ thể Kế hoạch hành động về thực hiện Thông báo Kết luận số 26-TB/TW ngày 09 tháng 5 năm 2011 của Ban Bí thư sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”. Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum (ban hành kèm theo Quyết định số 124/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 26 tháng 02 năm 2013).
Tăng cường công tác định hướng, tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh lồng ghép công tác thông tin, truyền thông về vị trí, vai trò của gia đình, công tác xây dựng gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Triển khai các hình thức, biện pháp lồng ghép, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng về giáo dục đời sống gia đình, xây dựng Gia đình văn hóa, lối sống ứng xử văn hóa trong gia đình.
Tổ chức hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) kết hợp phát động hưởng ứng với Tháng Hành động vì Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Chỉ đạo tổ chức các hoạt động bề nổi đa dạng, phong phú, phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu của đại đa số cán bộ và các tầng lớp quần chúng nhân dân.
Tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách gia đình các cấp, hội viên các đoàn thể về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về Gia đình các cấp tỉnh , huyện; đồng thời giữ vững mục tiêu bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo chỉ đạo công tác gia đình đối với cán bộ lãnh đạo các tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể và chính quyền cơ sở cấp xã, thôn ở mức đạt 95%.
Thành lập đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo tỉnh. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát chuyên ngành, liên ngành về công tác gia đình. Kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và mức đạt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ các Kế hoạch, chương trình liên quan về công tác Gia đình; giám sát, đánh giá hoạt động các mô hình, câu lạc bộ, các Ban chỉ đạo Gia đình các cấp huyện, xã.
Tiếp tục triển khai, phổ biến và thực hiện áp dụng Bộ tiêu chí “Ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh. Nhân rộng các mô hình đã triển khai, phổ biến kinh nghiệm, hiêu quả, phương thức triển khai đưa các nội dung tiêu chí ứng xử thiết thực thấm sâu vào đời sống gia đình của cán bộ và quần chúng nhân dân.
Yêu cầu tập trung nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch đã đề ra. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội triển khai có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh.