Ngày 17 tháng 02 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (sau đây viết tắt là Chương trình), qua đó tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo Kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025, cụ thể như sau:
Hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình: Rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình; bổ sung chính sách hỗ trợ người bị bạo lực gia đình là người bị phụ thuộc vào thành viên khác trong gia đình; bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình và đội ngũ cộng tác viên dân số tham gia phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở.
Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp liên ngành giữa các Sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình: Xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo Chương trình được duyệt; Xây dựng và vận hành mạng lưới phòng, chống bạo lực gia đình các cấp; cộng tác viên dân số thực hiện công tác gia đình ở cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, thu thập thông tin về bạo lực gia đình; Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở đơn vị và địa phương nếu để xảy ra tình trạng bạo lực trong phạm vi quản lý.
Xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình: Xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên về phòng, chống bạo lực gia đình; Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn hôn nhân và gia đình; tư vấn hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; tư vấn về giới và gia đình …Nâng cao năng lực cho người tham gia cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình; Tiếp tục triển khai và nhân rộng các Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng.
Thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình: Tổ chức truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với từng đối tượng, văn hóa của từng đơn vị, địa phương, đặc biệt quan tâm đến địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh; Đa dạng hóa phương thức, các loại hình, sản phẩm thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình. Khuyến khích sáng tác các chương trình và tác phẩm văn hóa nghệ thuật, các hoạt động thể thao thực hiện truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; Các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh duy trì hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục với thời lượng và khung giờ phù hợp nhằm hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình; Lồng ghép kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với các cấp học, bậc học; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, các ngành: Bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, tư vấn viên, hòa giải viên về phòng, chống bạo lực gia đình.
Hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học; xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình: Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm vận động nguồn lực, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực gia đình; Ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ thực hiện chuyển đổi số trong phòng, chống bạo lực gia đình; Thực hiện các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về phòng, chống bạo lực gia đình.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu việc triển khai thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Chương trình; gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.