Trong những năm qua, để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc bạo lực gia đình xảy ra, tỉnh Bắc Kạn đề ra những giải pháp sát thực, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, cổ động trực quan về phòng, chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình thức sinh động…
Trong 10 năm qua, cấp tỉnh và các địa phương đã ban hành gần 200 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có nội dung trực tiếp hoặc lồng ghép nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình; 100% các huyện, thành phố hằng năm đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện về công tác gia đình, trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức cho mọi người trong cộng đồng xã hội về pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững, đặc biệt là đối với việc gìn giữ, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, 10 năm qua trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 1.859 vụ bạo lực gia đình. Số vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình có chiều hướng giảm qua từng năm, từ 247 vụ năm 2010 xuống còn 154 vụ năm 2015 (giảm 37,7%), 125 vụ năm 2017 (giảm 49,4%), 98 vụ năm 2018. Trong các vụ bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người cao tuổi và trẻ em; hình thức bạo lực chủ yếu là bạo lực thân thể và bạo lực tinh thần. Số phụ nữ là nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình chiếm đến 80% bị bạo hành về thể xác, tình dục, tinh thần và kinh tế. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình có rất nhiều, nhưng cơ bản là do tình trạng bất bình đẳng giới, do lạm dụng rượu bia, do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc xuất phát từ nguyên nhân kinh tế; những quan niệm, hủ tục lạc lậu chưa được xóa bỏ cũng là những yếu tố để bạo lực gia đình tồn tại.
Thực tế cho thấy, hoạt động hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, hòa giải ở cơ sở là nguyên tắc chủ đạo được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định khi xử lý một vụ việc phát sinh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.423 tổ hoà giải/1.423 thôn, tổ dân phố và 10.246 hoà giải viên. Các tổ hòa giải được thành lập ở cấp thôn, tổ, tiểu khu, tham gia giải quyết các vấn đề ngay từ khi mới phát sinh.
Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức của người dân, hằng năm Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật kết hợp trợ giúp pháp luật cho hàng nghìn lượt người, chủ yếu là nội dung văn bản pháp luật mới ban hành, sửa đổi hoặc các lĩnh vực pháp luật liên quan đến cuộc sống hằng ngày như: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Tính từ năm 2008 đến 6 tháng đầu năm 2018, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã tổ chức 1.131 đợt tuyên truyền ở 122/122 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với hơn 34.785 lượt người tham dự. Thực hiện cấp phát 142.503 tờ rơi, tờ gấp về lĩnh vực hôn nhân gia đình, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời trực tiếp tư vấn về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này.
Việc bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn và khám, chữa bệnh cho nạn nhân bạo lực gia đình được bố trí tại các trạm y tế cấp xã, đã giúp cho công tác hỗ trợ nạn nhân được kịp thời. Các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được duy trì cũng là một trong những địa chỉ tin cậy để nạn nhân được chia sẻ, lên tiếng bảo vệ. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 20 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, 100 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 100 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại các xã, phường, thị trấn. Hoạt động của các mô hình này đã đóng góp tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân, góp phần hạn chế các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình phát sinh.
Để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, thực tế cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật thì cần tăng cường công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi bạo lực gia đình; hỗ trợ nạn nhân, hòa giải mâu thuẫn trong gia đình. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; triển khai đồng bộ và có hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đồng thời, tăng cường tập huấn để bồi dưỡng, kỹ năng, nghiệp vụ phát hiện, tư vấn, hòa giải, thu thập thông tin số liệu cho đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên, cộng tác viên và hòa giải viên cơ sở, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình./.