Có thể thấy vấn đề bạo lực ở phụ nữ và trẻ em theo góc độ an ninh con người chủ yếu là làm thế nào để đảm bảo cho những đối tượng này thoát ra khỏi sự sợ hãi trước những đe dọa từ bên ngoài. Đáng báo động hơn, chính là những người đã bị bạo lực sẽ luôn luôn bị ám ảnh hoặc không tự tin khi tiếp xúc với xã hội. Khi tiếp xúc với xã hội bên ngoài họ sẽ dễ bị lừa, hoặc do sự bất mãn rồi chủ động tham gia vào những hoạt động phi pháp… cần phải đảm bảo an ninh con người trên cả phương diện tinh thần và thể xác đối với phụ nữ và trẻ em, nhằm tạo ra môi trường an toàn để họ có cơ hội để phát triển bản thân hòa nhập xã hội. Để đảm bảo an ninh cho từng cá nhân thì một cộng đồng phải luôn ở trong tình trạng đảm bảo an ninh, khi đó các cá nhân trong cộng đồng ấy cũng có chiều hướng được bảo vệ tốt hơn, đặc biệt đối với những nhóm cộng đồng có sở hữu vốn con người, cũng như vốn xã hội ở mức cao (Đặng Xuân Thanh, 2016: 331).
Chính vì vậy, vấn đề an ninh con người nhìn theo chiều hướng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cần phải được đảm bảo theo hai chiều cạnh là an ninh cá nhân và an ninh công cộng. Hai chiều cạnh của an ninh con người nhìn từ góc độ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cần phải có mối quan hệ với nhau chặt chẽ, nhằm tạo ra không gian an toàn không chỉ ở nơi công cộng, mà ở chính trong môi trường gia đình và tự bảo vệ bản thân trước những đe dọa từ bên ngoài bằng việc trang bị kiến thức, kỹ năng, chủ động tố giác đối tượng phạm tội. Để làm được điều này, thì cần phải có sự chung tay góp sức của toàn xã hội cả trên phương diện bảo vệ (xây dựng không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em ở nơi công cộng; các biện pháp can thiệp kịp thời nhằm hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, trao quyền cho cộng đồng; xây dựng mô hình tổ chức để cộng đồng chủ động tham gia bảo vệ an ninh cho bản thân…). Điều quan trọng nhất chính là làm thế nào để thay đổi nhận thức của cộng đồng đối với nạn nhân bị bạo hành cởi mở hơn trong việc chia sẻ các vấn đề của bản thân đang gặp phải.