Các cấp chính quyền cần mạnh tay hơn nữa trong việc can thiệp, xử lý bạo lực gia đình (BLGÐ) một cách kịp thời trước khi có hậu quả không tốt xảy ra. Bởi thực tế, với các vụ BLGÐ, việc can thiệp của chính quyền địa phương còn mang tính chất ngại va chạm, nể nang vì coi đó là chuyện riêng của mỗi gia đình.
BLGĐ xảy ra dưới nhiều hình thức, ở nhiều đối tượng. Nạn nhân bị BLGĐ thường là các thành viên yếu đuối, phụ nữ, người già và trẻ em. BLGĐ là nguyên nhân chủ yếu gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất, tinh thần của các thành viên trong gia đình; tác động xấu đến đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Nguyên nhân của BLGĐ xuất phát từ những mâu thuẫn của các thành viên trong gia đình về kinh tế, các thói quen xấu như: rượu chè, cờ bạc, cuộc sống vợ chồng thiếu thủy chung, tình trạng bệnh lý tâm thần, sinh lý đột biến… Từ năm 2008 đến 30/6/2018, ở Đơn Dương xảy ra 808 vụ BLGĐ, trung bình mỗi năm xảy ra 80 vụ BLGĐ. Trong đó, chiếm đa số là bạo hành về thân thể, rồi đến bạo hành về tinh thần, kinh tế, tình dục và nạn nhân phần lớn là phụ nữ.
Để đưa Luật Phòng chống BLGĐ vào cuộc sống, hàng năm, huyện Đơn Dương ban hành kế hoạch hướng dẫn triển khai nhiệm vụ công tác gia đình và phòng chống BLGĐ đến các xã, thị trấn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch liên ngành giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhằm triển khai hiệu quả Luật Phòng chống BLGĐ. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện đưa nội dung của Luật Phòng chống BLGĐ vào nội dung tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cấp xã, thị trấn và thôn, tổ dân phố. UBND huyện cũng đã ban hành kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình, các giải pháp can thiệp phòng chống BLGĐ và các hoạt động thuộc Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”. Hội Phụ nữ xây dựng phong trào “5 không, 3 sạch”, trong đó có nội dung không có BLGĐ.
Vai trò can thiệp của địa phương thể hiện rõ qua việc tổ chức đưa 670 trường hợp BLGÐ ra góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư. Áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho 110 người có hành vi BLGÐ và xử phạt hành chính 28 trường hợp để răn đe người gây ra BLGÐ.
Nhằm thực thi Luật Phòng chống BLGĐ và phát huy hiệu quả các mô hình phòng chống BLGĐ trên địa bàn huyện, trong thời gian qua, hoạt động truyền thông về phòng chống BLGĐ được đẩy mạnh. Thông qua các mô hình CLB gia đình văn hóa, nhân rộng các mô hình điển hình về phát triển kinh tế, biểu dương các gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình hạnh phúc, gia đình có nhiều thế hệ chung sống hòa thuận mẫu mực; xây dựng phong trào gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc… Qua 10 năm thực hiện mô hình điểm phòng chống BLGĐ tại xã Lạc Xuân, đa số cán bộ và nhân dân trên địa bàn hiểu được vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia CLB phòng chống BLGĐ. Nhờ vậy, hoạt động của các CLB Gia đình phát triển bền vững, nhóm Phòng chống BLGĐ khá ổn định, đi vào nề nếp, góp phần giảm tình trạng BLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời, huyện chú trọng công tác phát hiện, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình, không để tình trạng BLGĐ kéo dài và lồng ghép nội dung phòng chống BLGĐ vào các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ chăm sóc trẻ em và phòng chống tệ nạn xã hội. Toàn huyện xây dựng 67 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm giúp cho các nạn nhân bị BLGĐ đến lánh nạn và có 73 nạn nhân BLGĐ đến tạm lánh. Bên cạnh đó, có 11 nạn nhân BLGĐ được chăm sóc, hỗ trợ y tế.
Theo Tòa án Nhân dân huyện Đơn Dương, trong 10 năm qua, toàn huyện có 1.711 vụ ly hôn thì có 60 vụ án hôn nhân và gia đình có nguyên nhân liên quan đến BLGĐ. Trong đó, chiếm 52 vụ ly hôn có nguyên nhân bạo lực thể xác, 5 vụ ly hôn do bạo lực về tinh thần và 3 vụ ly hôn do bạo lực về kinh tế. Đánh giá của UBND huyện Đơn Dương, qua 10 năm thi hành Luật Phòng chống BLGĐ đã tạo nên sự chuyển biến về nhận thức, thái độ và hành vi của cán bộ chính quyền, đoàn thể và cộng đồng về phòng chống BLGĐ. Công tác tuyên truyền về phòng chống BLGĐ góp phần phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức trong quần chúng nhân dân, giúp người dân biết cách tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân. Số vụ BLGĐ qua các năm có xu hướng giảm dần, rất ít vụ ly hôn, ly thân liên quan đến BLGĐ. Gia đình không còn BLGĐ đoàn kết tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, đóng góp vào sự phát triển và ổn định trật tự an toàn xã hội. Theo con số thống kê, vào năm 2010 thu nhập bình quân đạt 17,6 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo 9,87%, tỉ lệ hộ nghèo DTTS 28,68%. Đến năm 2017, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 58,02 triệu đồng/người, giá trị sản xuất bình quân đạt 200 triệu đồng/ha, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 3%, tỉ lệ hộ nghèo vùng DTTS còn 6,34%. Những con số này cho thấy tác động của công tác phòng chống BLGĐ đến tình hình kinh tế – xã hội của địa phương.
nguồn: baolamdong.vn