Nói dân tộc Thái là dân tộc thi ca cũng không quá lời. Hiếm có dân tộc nào mà lịch sử lập bản, dựng mường hay bước đường chinh chiến của cha ông được ghi lại bằng trường ca; các nghi thức, nghi lễ trong lễ hỏi, đám cưới được thể hiện bằng lời ca; mừng nhà mới, chào đón khách, giữ khách ở lại nhà, trai gái hiểu, tâm sự bày tỏ tình cảm… cũng được thể hiện bằng lời ca, tiếng hát. Muốn biết kho tàng thơ ca dân gian của dân tộc được người Thái giữ gìn và truyền lại cho thế hệ sau như thể nào? Xin hãy trở về sinh hoạt của bản mường xưa của người Thái.
Ngày ấy, đứa trẻ biết chạy đi chơi là được ông bà, cha mẹ dạy trò chơi dân gian và hát đồng dao. Nó cũng được chứng kiến các nghi thức, nghi lễ tâm linh diễn ra trong gia đình. Lớn thêm một chút nó được tham gia vào các cùng cha mẹ chuẩn bị lễ vật dâng cúng thần linh, tổ tiên vào dịp tết nguyên đán, thanh minh tháng ba, lễ tạ ơn vào rằm tháng bảy, lễ cốm mới vào tháng chín, lễ cơm mới vào tháng mười… Ngày lễ, ngày tết đến nhà nhau chơi, quanh mâm cỗ, sau vài chén rượu, sau một hồi hỏi han, chúc tụng là chủ và khách bắt đầu đàn hát, nhảy múa. Và thường thì một ai đó, tuổi trung niên trở lên sẽ hát bài lời dạy đạo làm người. Bài hát dài cả tiếng đồng hồ dạy cho con người về sống sao cho trọn đạo Trung, Hiếu, Tín, Nghĩa; dạy cho con người những chuẩn mực qui định quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng bản mường. Nhà nào cũng vậy. Rồi tiếng trống chiêng, tiếng đàn quyện lời ca rộn rã bản mường. Không khí ấy, không gian gia đình thấm đẫm văn hóa ấy đã ngấm vào tiềm thức của con người từ khi còn là những đứa trẻ trong gia đình. Năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, cứ như vậy con trẻ lớn lên về sinh học thì cũng đồng thời có cho mình tri thức, kỹ năng sống và ứng xử không chỉ trong sinh hoạt đời thường mà trong các hoạt động văn hóa, tâm linh. Tìm hiểu một số nghệ nhân từ thời trẻ họ hát hay, múa giỏi có tiếng khắp trong bản ngoài mường, họ cho chúng tôi biết “ Nhiều người có ông bà hoặc bố mẹ giỏi đàn hát truyền lại cho con cháu. Tuy vậy, từ trẻ đến trung niên, họ vẫn tìm người giỏi hơn để học thêm. Tôi thì và nhiều người khác thì có ai dạy đâu. Từ bé nghe người lớn đến chơi nhà chơi cùng nhau hát. Tôi thích lắm nên cứ lẩm nhẩm hát theo. Có khi đêm khuya mẹ bắt đi ngủ trước cũng không đi. Cứ thế, vậy là thuộc hết bài này đến bài khác. Múa thì dễ hơn. Nhìn người lớn múa, lũ trẻ chúng tôi cũng bắt chước múa theo. Người lớn thấy thế dạy bảo thêm. Sau này lớn thành thanh niên, vào dịp hội bản, hội mường, chơi ném còn, tó mák lẹ, tát yến, múa xòe… chúng tôi lại tụ tập thành từng nhóm hát đối đáp với nhau… cứ tự nhiên thế thôi. Còn làm đàn, làm sáo hay đánh đàn, thổi sáo thì phải có ông hay bố dạy thì mới biết”. Không chỉ là trò chơi, múa, đàn và hát. Những tập tục giàu tính nhân văn của một dân tộc cũng được trao truyền qua các thế hệ từ trong gia đình. Gia đình là tổ ấm của mỗi người. Nếu văn hóa là bản sắc, là linh hồn của một dân tộc thì gia đình chính là chiếc nôi nuôi dưỡng nó.
nguồn: svhttdl.laichau.gov.vn