Đó là một trong những thông điệp được mang tới Hội thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình” tỉnh Lai Châu lần thứ V năm 2018. Gần 100 thí sinh tham dự Hội thi đã mang đến những nội dung truyền thông phong phú, hiệu quả.
Theo Ban Tổ chức, tham gia Hội thi có 9 đội đến từ các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh với hơn 70 thí sinh. Hội thi gồm 3 phần: Tự giới thiệu (Chào hỏi); Kiến thức và Tiểu phẩm, trong đó các đội tham dự giới thiệu về đội thi của mình, làm nổi bật chức năng, nhiệm vụ của cán bộ làm công tác gia đình trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; giải quyết những tình huống xảy ra trong gia đình đảm bảo theo đúng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thí sinh tham gia dự thi phải trả lời các câu hỏi theo nội dung yêu cầu của Ban tổ chức, sân khấu hóa các tình huống xảy ra trong cuộc sống gia đình và giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình…
Gây ấn tượng với Ban tổ chức và khán giả ngay từ màn chào hỏi, đội thi đến từ huyện Than Uyên đã nhận được giải chuyên đề cho phần chào hỏi của mình. Với hình thức sân khấu hóa, thông qua đó đã giới thiệu những thành tích của huyện trong công tác gia đình, cách truyền thông tới người dân chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, những hình ảnh đan xen đã làm khán giả dễ tiếp thu thông điệp mà đội gửi tới đó là “Hãy hành động vì gia đình không có bạo lực”.
Không chỉ đội thi đến từ Than Uyên, phần chào hỏi của các đội đã được Ban giám khảo đánh giá cao bởi việc sân khấu hóa với lối diễn xuất chân thực, thông điệp mạnh mẽ, qua đó nhắc nhở mỗi người về cách sống, cách giáo dục con cái, trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình; trách nhiệm của tổ chức, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động người dân xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ.
Nếu như phần Chào hỏi chỉ ngắn gọn với việc giới thiệu về đơn vị, địa phương và các thành viên trong đội thì phần thi Kiến thức lại cung cấp cho khán giả những vấn đề liên quan đến Luật, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, về bình đẳng giới… Ở đây, các đội đã có những sự sáng tạo rất riêng để phần trả lời kiến thức không bị khô cứng, bó buộc, gắn lý luận với thực tiễn để người xem dễ tiếp thu hơn. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Phường Đoàn Kết chia sẻ: Mình đến xem các đội thi, phần kiến thức mình định về vì nghĩ nó không hấp dẫn, nhưng xem mấy đội mới thấy họ trả lời rất hay, mình thấy hữu ích vì mình biết thêm được các kiến thức về gia đình, Luật hôn nhân gia đình, Luật bình đẳng giới. Mình thích phần trả lời của đội Công an tỉnh vì sự thông minh, sáng tạo.
Vẫn như nhiều Hội thi khác, trong các phần thi thì được mong chờ nhất là phần tiểu phẩm. “A Câu sám hối”- tiểu phẩm của đội thi đến từ huyện Sìn Hồ là một dấu lặng trong lòng khán giả. Lối diễn xuất chân thực về một câu chuyện xảy ra trong gia đình, trọng nam khinh nữ, tâm lý thích con trai, hủ tục rượu chè… để gây ra mất mát, nỗi đau; cách giải quyết của cán bộ làm công tác gia đình để hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nút thắt đã được gỡ bỏ và khán giả cùng thở phào nhẹ nhõm, cái được mà tiểu phẩm mang lại đó là khiến cho mỗi người thêm suy nghĩ để trân trọng mái ấm gia đình, con nào cũng là con miễn là bố mẹ dành thời gian quan tâm, chăm sóc các con…
9 tiểu phẩm của 9 đội thi được đánh giá là dàn dựng công phu, có những tình tiết gây cười đan xen những điểm “lặng” để khán giả như cuốn vào các tình tiết, các câu chuyện tưởng chỉ có trong kịch nhưng thấp thoáng vẫn có ở đâu đó trong xã hội, trong mỗi gia đình. Sự phản ánh từ nhiều góc độ, nhiều cách nhìn đã khiến cho những tiểu phẩm trở nên gần gũi, chân thực, chạm đến trái tim mỗi người.
Để có những phần thi “đạt” như vậy, Ban Tổ chức cuộc thi đánh giá: Các đội đã có sự chuẩn bị công phu, đầu tư về dàn dựng, biên đạo, dành thời gian luyện tập, nhất là sự cố gắng của mỗi thành viên trong đội. Những yếu tố đó đã làm cho Hội thi thực sự chất lượng, thu hút đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ.
Trong điều kiện mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua nhưng điều đó vẫn không ảnh hưởng tới diễn biến và chất lượng Hội thi. Là người thường xuyên đến xem và cổ vũ cho các Hội thi, bà Lò Thị Lai, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu cho biết: Cuộc thi nào tôi cũng xem, cuộc thi này tôi đã xem liên tục 3 năm rồi, lần nào cũng hấp dẫn, nhất là phần tiểu phẩm. Năm nay các tiểu phẩm hay hơn trước rất nhiều, mưa nhưng tôi vẫn ra để xem, không bỏ lỡ tiết mục nào hết.
Ông Hoàng Quốc Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch- Trưởng Ban tổ chức Hội thi cho biết: Hội thi là một trong những nội dung cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh trong việc triển khai thực hiện công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình. Đây cũng là sân chơi bổ ích cho các đoàn giao lưu học hỏi, thể hiện sự sáng tạo, tài năng, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Được cả khán giả, Ban Giám khảo đánh giá cao, đội thi Công an tỉnh Lai Châu đã xuất sắc giành giải A toàn đoàn; hai giải B thuộc về đội thi huyện Mường Tè, huyện Sìn Hồ; 2 giải C cho đội Thành phố và huyện Than Uyên; 4 giải Khuyến khích cho các đội: Sở Giáo dục và Đào tạo, Tòa án tỉnh, huyện Nậm Nhùn và huyện Phong Thổ. Ngoài ra, cũng trao 3 giải phụ cho các đội có thành tích xuất sắc tại Hội thi
nguồn: laichau.gov.vn