Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên trong gia đình. Hiện nay bạo lực gia đình là vấn đề xã hội cần quan tâm; bởi đây là nguyên nhân làm xói mòn đạo đức con người, là nguy cơ gây tan vỡ hạnh phúc gia đình và phần lớn các thành viên gia đình mắc các tệ nạn xã hội là do ảnh hưởng từ bạo lực gia đình.
Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên trong gia đình. Hiện nay bạo lực gia đình là vấn đề xã hội cần quan tâm; bởi đây là nguyên nhân làm xói mòn đạo đức con người, là nguy cơ gây tan vỡ hạnh phúc gia đình và phần lớn các thành viên gia đình mắc các tệ nạn xã hội là do ảnh hưởng từ bạo lực gia đình.
Trong những năm qua, nhờ được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia hỗ trợ của tích cực của các ngành có liên quan và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân mà công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) tại Điện Biên ngày càng hoạt động có hiệu quả, có nhiều chuyển biến tích cực; góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc và đẩy mạnh cho phong trào xây dựng gia đình, thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa ngày càng chất lượng hơn.
Có nhiều chương trình hoạt động tuyên truyền Luật PCBLGĐ, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới… Việc xây dựng các mô hình hoạt động lồng ghép nhằm góp phần ngăn chặn và giảm tỷ lệ bạo lực gia đình bước đầu đi vào hoạt động. Các mô hình, Câu lạc bộ, phong trào hoạt động có hiệu quả như: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Câu lạc bộ “Ông bà mẫu mực – Con cháu thảo hiền”, Câu lạc bộ phát triển bền vững, giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình. Tính đến cuối năm 2017, mô hình PCBLGĐ đã được triển khai tại 10/10 huyện, thị, thành phố; 62/130 xã, phường có BCĐ; 310 CLB gia đình phát triển bền vững; 433 nhóm PCBLGĐ. Các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình vẫn đang tiếp tục duy trì sinh hoạt định kỳ 02 tháng/01 lần, một số khác duy trì sinh hoạt định kỳ 01quý/01lần. Do điều kiện kinh phí không có nên việc tổ chức sinh hoạt thường được lồng ghép trong các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố; tọa đàm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3… Bên cạnh đó còn kết hợp các buổi họp, sinh hoạt tại tổ dân phố với nhiều chuyên đề: Về dân số sinh đẻ có kế hoạch, giáo dục đạo đức, lối sống, chăm sóc người già và trẻ em, phát triển kinh tế… Hoạt động chủ yếu của các CLB, nhóm PCBLGĐ là tuyên truyền, triển khai hoạt động, ngăn chặn và giải quyết kịp thời khi có hành vi bạo lực gia đình hoặc nguy cơ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, giáo dục vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước; chia sẻ những suy nghĩ, ý tưởng và kinh nghiệm của bản thân với các thành viên CLB, trao đổi kiến thức pháp luật, phát triển kinh tế gia đình, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái, giao lưu các hoạt động văn hóa, thể thao… Các mô hình vẫn tiếp tục duy trì hoạt động và bước đầu đạt hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác gia đình đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo cho địa phương tiến hành thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình, theo dõi, kiểm tra các hoạt động của các Nhóm phòng chống bạo lực gia đình và các Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”… Nhằm để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác gia đình ở cơ sở, Sở cũng tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên Cổng/trang thông tin điện tử các ngành, đơn vị và hệ thống Đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố, trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn.
Tính từ năm 2007 đến năm 2017, cấp tỉnh đã xây dựng trên 10 chương trình thông tin tuyên truyền tổng hợp với các hình thức phong phú như tuyên truyền miệng, văn nghệ, câu chuyện thông tin với nội dung: tuyên truyền Luật bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình … Năm 2010 và năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tuyên truyền trên loa truyền thanh bằng 02 thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng dân tộc Thái) với tổng số 48 bài tuyên truyền nội dung chủ yếu về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, gương điển hình tiên tiến… Xây dựng 01 video tuyên truyền về bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình với độ dài khoảng 30 phút, thông qua đội chiếu bóng lưu động tuyên truyền hơn 400 buổi chiếu tại xã, thôn, bản các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 01 hội thi tìm hiểu về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm lên án tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình, bạo lực trong gia đình, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hưởng ứng và tham gia tích cực, với 100 tuyên truyền viên của 15 xã tham gia, với 03 nội dung thi bắt buộc gồm: phần thi chào hỏi, phần thi kiến thức pháp luật và phần thi tiểu phẩm tuyên truyền. Tổ chức 22 lớp tập huấn về công tác gia đình cho các cán bộ làm công tác gia đình cấp huyện, cấp xã và phó chủ tịch xã, chủ tịch Hội phụ nữ xã, chủ tịch MTTQ xã phụ trách gia đình. Tuyên truyền cổ động mặt đường và đi phục vụ cơ sở tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới tại các xã, huyện trong tỉnh trên 600 buổi, thu hút hàng ngàn lượt người nghe.
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 812 địa chỉ tin cậy, 1.803 tổ hòa giải cơ sở với 9.502 hòa giải viên. Hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, đoàn kết thôn, bản, tổ dân phố, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tiếp tục duy trì và triển khai nhân rộng mô hình thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam”. Toàn tỉnh hiện có 10/10 huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện Đề án tại 69 xã, phường với tổng số 934/1.813 thôn, bản, tổ dân phố. Trong đó, điển hình thực hiện Đề án nghiêm túc và có hiệu quả là thị xã Mường Lay, với 03 xã, phường trên địa bàn, 20 tổ, bản thực hiện trọng điểm triển khai lồng ghép tuyên truyền (giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc) trong các buổi sinh hoạt tại cộng đồng.
Theo số liệu thống kê được, số vụ bạo lực gia đình năm 2009 là 798 vụ nhưng năm 2017 chỉ còn 178 vụ (giảm được 620 vụ), đây là kết quả rất đáng được ghi nhận trong công tác PCBLGĐ những năm vừa qua của tỉnh Điện Biên. Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ có nhiều khởi sắc, ngày càng có nhiều gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương./.
Thùy Dương
nguồn: svhttdldienbien.gov.vn