Sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành và có hiệu lực vào năm 2008 và các văn bản triển khai khai thi hành Luật như: Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 của Chính phủ, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức triển khai kịp thời các nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình đến các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, hiệu lực thi hành của Luật.
Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể. Năm 2008, tỉnh triển khai thí điểm mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình tại xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc (thành lập 05 câu lạc bộ); giai đoạn 2009 – 2010 tiến hành nhân rộng đến 12 huyện, thị xã, thành phố và tất cả các xã, phường, thị trấn, mỗi đơn vị chọn 01 ấp làm điểm. Đến nay, toàn tỉnh có 568 câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” tại 701 khóm, ấp; 510 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 390 Đường dây nóng; 2.544 Địa chỉ tin cậy và 159 Tủ sách pháp luật với các hoạt động tuyên truyền kỹ năng ứng xử trong gia đình, tư vấn và hỗ trợ đối với các nạn nhân bị bạo lực gia đình, phát triển kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các hội nghị triển khai, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, phương tiện thông tin đại chúng, các thiết chế văn hóa; in ấn tài liệu về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình… đưa về cơ sở góp phần nâng cao nhận thức và chuyển biến trong hành động của người dân về phòng, chống bạo lực gia đình. (Hàng năm, Sở VHTT&DL phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Tháp thực hiện 12 chuyên mục, Báo Đồng Tháp xây dựng 6 chuyên trang; trên 4.000 buổi phát thanh và truyền thanh; Sở Tư pháp in ấn phát hành 2.500 Bản tin Tư pháp, cấp phát tài liệu hỏi đáp về Hôn nhân và gia đình; Sở VHTT&DL đã phân phối hơn 58.783 quyển sách, 345 đĩa DVD tuyên truyền về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới…). Lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình vào các dịp như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới… bằng các hình thức cổ động trực quan; sinh hoạt các câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”, câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, câu lạc bộ đờn ca tài tử, Hội quán nông dân, Tổ Nhân dân tự quản, Đội tuyên truyền lưu động…
Định kỳ cấp tỉnh tổ chức Họp mặt biểu dương Gia đình tiêu biểu và hướng dẫn cấp huyện, xã tổ chức với gần 15.717 hộ gia đình được tặng Bằng khen và biểu dương đã tác động tích cực đến phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, gia đình tiêu biểu, phòng, chống bạo lực gia đình và phòng, chống tệ nạn xã hội.
Tổ chức Hội thi Gia đình Văn hóa, Thể thao và Du lịch (thực hiện 7 lần từ năm 2009 – 2015, mỗi năm thu hút khoảng 40 gia đình tham gia); từ năm 2016 – 2017, đổi tên thành Hội thi câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” với 12 đội thi được tuyển chọn từ gần 500 câu lạc bộ trong toàn tỉnh; năm 2018, tổ chức Hội thi Gia đình tiêu biểu tỉnh Đồng Tháp với 39 hộ gia đình đến từ Liên đoàn Lao động tỉnh và 12 huyện, thị xã, thành phố. Cấp huyện, cấp xã tổ chức nhiều hội thi sôi nổi, thu hút sự tham gia của các câu lạc bộ và người dân trên địa bàn.
Công an tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Cuộc thi viết “Vì một mái ấm bình yên” và gửi 01 bài xuất sắc nhất dự thi cấp Trung ương; đồng thời phối hợp với các trường học trên địa bàn tuyên truyền, giáo dục pháp luật, hậu quả, tác hại của bạo lực gia đình được 325 cuộc có 36.500 em học sinh tham dự.
Trong từng giai đoạn, từng năm, tỉnh luôn quan tâm đầu tư kinh phí với mức khá cao, phân bổ cụ thể theo từng cấp để đảm bảo các hoạt động được triển khai thuận lợi và đạt hiệu quả thiết thực. Giai đoạn 2008-2018, tổng kinh phí thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn tỉnh là 22.021.700.000đ (Hai mươi hai tỷ, không trăm hai mươi mốt triệu, bảy trăm ngàn đồng) chiếm 91,64% so với kinh phí thực hiện công tác gia đình và 9,23% so với kinh phí lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình luôn được chú trọng, tạo động lực phát triển công tác gia đình của tỉnh nhà. Hàng năm, đầu tư ngân sách cho Cơ sở Tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình cấp tỉnh với kinh phí là 100 triệu đồng để thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình và hoạt động của cơ sở này. Các hoạt động thu thập, tổng hợp số liệu báo cáo về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; nhân viên y tế khóm, ấp thực hiện công tác gia đình, Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” đều thực hiện chế độ đúng quy định.
Hoạt động kiểm tra, thanh tra trong quá trình thi hành Luật được thực hiện thường xuyên và theo định kỳ. Cấp tỉnh tổ chức kiểm tra vào cuối năm, cấp huyện tổ chức kiểm tra định kỳ 06 tháng và cuối năm tại cơ sở.
Công tác can thiệp và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được xử lý kịp thời nhằm giảm thiểu hậu quả đối với nạn nhân bạo lực gia đình và gia đình. Khi xảy ra bạo lực gia đình hoặc phát hiện dấu hiệu của hành vi bạo lực gia đình, các cơ quan, ban, ngành tiến hành can thiệp, xử lý các hành vi bạo lực gia đình và hỗ trợ, tư vấn, trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình với nhiều biện pháp khác nhau.
Qua 10 năm triển khai thi hành Luật, tình hình bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế và giảm mạnh, năm 2009 toàn tỉnh có 1.998 vụ bạo lực gia đình, đến năm 2017 giảm còn 196 vụ, (9 tháng đầu năm 2018 có 85 vụ). Trong đó, số vụ bạo lực gia đình xảy ra ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ cao, trong tổng số 7.716 nạn nhân bạo lực gia đình có đến 7.126 nạn nhân nữ, 669 nạn nhân là trẻ em; hơn 7.112 người gây bạo lực gia đình là nam giới; hình thức bạo lực về thân thể chiếm tỷ lệ lớn với hơn 49,79% và bạo lực về tinh thần là 41,58%. Số vụ việc được phát hiện, xử lý và tư vấn ngày càng nhiều, năm 2009 có 79,48% vụ được xử lý; đến cuối năm 2017 tỷ lệ này đạt 90,82%. Các biện pháp như cấm tiếp xúc, giáo dục tại địa phương, xử phạt hành chính, xử lý hình sự, trong đó góp ý trong cộng đồng dân cư chiếm đa số (83,03%).
Thời gian qua, Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh và cấp huyện đã tiếp nhận tư vấn 113 trường hợp (tư vấn trực tiếp và tư vấn qua điện thoại). Phối hợp với các câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” các huyện, thị xã, thành phố tư vấn tại gia, tư vấn tại câu lạc bộ cho 232 đối tượng gây bạo lực; 354 nạn nhân bị bạo lực. Trung tâm bảo trợ xã hội tổng hợp đã tiếp nhận 20 vụ bạo lực gia đình có nạn nhân là trẻ em, tư vấn tâm lý cho trẻ em, tư vấn pháp luật cho gia đình và người gây bạo lực, kết nối cách ly các em ra khỏi người gây bạo lực; hỗ trợ về y tế, dinh dưỡng và học tập cho các em.
Bên cạnh đó, nhằm tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho gia đình, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình xảy ra do khó khăn về kinh tế, tỉnh còn triển khai công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ. Bình quân hàng năm mở được 138 lớp dạy nghề và truyền nghề (12.333 chị); tư vấn và giới thiệu việc làm cho 12.351 phụ nữ; vận động đi lao động có thời hạn ở nước ngoài 633 người. Duy trì và nhân rộng các nghề truyền thống như: dệt chiếu, đan giỏ, thêu rua, may dân dụng…
Những kết quả đạt được trong quá trình thi hành Luật đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội, góp phần làm chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ, công chức và nhân dân đối với hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; người dân đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của gia đình, ý nghĩa của phòng, chống bạo lực gia đình đối với việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tình hình bạo lực gia đình giảm đáng kể, đời sống văn hóa của người dân được nâng cao, an ninh trật tự xã hội được giữ vững, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, thu nhập của người dân tăng lên, các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục được chú trọng đã tạo điều kiện cho người dân dễ dàng hưởng thụ; công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; chăm sóc người cao tuổi ngày được quan tâm hơn.