Sáng 06/9/2018, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Dự Hội nghị có bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở, ngành trong tỉnh.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình tại Việt Nam cho thấy vẫn còn 58% phụ nữ đã kết hôn bị bạo lực. Tình hình bạo lực gia đình đã ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc, cản trở sự tiến bộ, phát triển của phụ nữ Việt Nam. Đối tượng bị tác động nhiều nhất là trẻ em và phụ nữ. Việc thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở một số địa phương vẫn tồn tại một số hạn chế. Vì vậy, Hội thảo sẽ tập trung đánh giá hạn chế, đề xuất điều chỉnh làm cơ sở kiến nghị sửa đổi Luật trong thời gian tới.
Hội thảo đã nêu rõ thực trạng vấn đề bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk Trong 10 năm qua. Theo đó, toàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 9.450 vụ bạo lực gia đình. Trong đó hơn 70% nạn nhân là phụ nữ, với gần 36% vụ việc bạo lực tinh thần, 49% bạo lực thân thể, trên 5% bạo lực tình dục và gần 10% bạo lực kinh tế. Trong tổng số 9.450 vụ bạo lực gia đình xảy ra trong 10 năm, đã có 3.051 vụ việc đã tiến hành các biện pháp can thiệp xử lý đối với người gây ra bạo lực. Các địa phương đã tổ chức tư vấn tâm lý, pháp lý cho gần 7.500 nạn nhân, tổ chức cho 208 nạn nhân đến sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội, 2.900 nạn nhân được chuyển đến các cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe; có trên 1.000 nạn nhân tìm đến địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 126 nạn nhân được hỗ trợ tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.
Hội thảo cũng đã ghi nhận một số kết quả đạt được trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại tỉnh Đăk Lăk. Theo đó, ở cấp cơ sở, việc hỗ trợ nạn nhân được quan tâm thông qua biện pháp hỗ trợ tư vấn tâm lý, phòng tạm lánh cho nạn nhân, chăm sóc tại cơ sở y tế, đưa nạn nhân đến tại cơ sở bảo trợ xã hội. Thông qua trợ giúp pháp lý, các Sở, ngành đã cấp phát trên 16.000 tờ rơi, tờ gấp liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng 10 kỳ giải đáp pháp luật; chuyên mục giải đáp pháp luật; 73/184 xã, phường, thị trấn có Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình; 81 xã, phường, thị trấn có mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình do Hội LHPN tỉnh triển khai. Toàn tỉnh đã thành lập 2.437 tổ hòa giải và trung bình hằng năm, thụ lý, giải quyết 3.500 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành công khoảng 77%.
Tại Hội thảo, các đại biểu Sở, ngành tập trung thảo luận những tồn tại và kiến nghị giải pháp trong công tác tuyên truyền; nâng cao kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho cán bộ cấp xã; bất cập trong nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình còn mang tính chung chung, chưa có biện pháp, chế tài cụ thể để đảm bảo thực hiện trên thực tế; thuận lợi và khó khăn trong chăm sóc y tế, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; trách nhiệm thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị bạo lực gia đình…
Từ những thực trạng đưa ra tại Hội thảo, bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk đã yêu cầu các Sở, ngành cần nhìn nhận lại thực trạng của tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ thôn, buôn; xây dựng tốt mô hình tạm lánh ở cơ sở, tổ hòa giải, tham mưu những giải pháp hiệu quả nhằm kéo giảm tình trạng bạo lực gia đình trong thời gian tới.