Qua thực tiễn tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ cho thấy, các vụ việc bạo lực gia đình trong những năm gần đây ngày càng tăng về số lượng với tính chất, mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng. Nạn nhân của bạo lực gia đình chủ yếu vẫn là phụ nữ và trẻ em ở cả nông thôn và thành thị. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình còn nhiều bất cập như quy định về hành vi bạo lực gia đình được liệt kê tại Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 còn quá chung chung và không đầy đủ; quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong phòng, chống bạo lực gia đình còn chung chung và không đề ra cơ chế cho việc thực thi trên thực tế; thiếu quy định về biện pháp xử lý cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình…
Để bảo đảm thực hiện tốt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, ngày 06/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 215/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 với mục tiêu: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên phạm vi toàn quốc”. Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu là: “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”.
Để khắc phục tình trạng nêu trên và thực hiện tốt các giải pháp thực hiện Quyết định số 215/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
– Làm rõ khái niệm “thành viên gia đình” trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để thống nhất với các Luật khác.
– Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định tại Chương IV Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (từ Điều 33 đến Điều 41).
– Quy định những biện pháp xử lý đối với cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
– Quy định các hành vi cụ thể của từng loại bạo lực gia đình làm cơ sở để phát hiện, xử lý cũng như cần phải phân loại hành vi bạo lực gia đình như: bạo lực thân thể; bạo lực về tình dục; bạo lực về tinh thần; bạo lực về mặt xã hội, bạo lực về kinh tế…
– Nghiên cứu sửa đổi quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở theo hướng quy định cụ thể hành vi không được hòa giải ở cơ sở về hôn nhân và gia đình, trong đó xác định rõ các hành vi bạo lực gia đình có thuộc trường hợp hòa giải ở cơ sở hay không.
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình
Rà soát các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình để quy định hình thức xử phạt hợp lý và khả thi (do một số hành vi quy định mức phạt quá thấp, không đủ sức răn đe).