Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo là nhịp sống của giới trẻ cũng vội vàng, gấp gáp như chạy đua theo thời gian và công việc. Có những gia đình sống 3-4 thế hệ: Ông bà, bố mẹ, cháu, chắt trong cùng một mái nhà. Tuy nhiên đôi khi, chính ông, bà lại là những người đã từng ít nhiều, trải qua cảm giác không được quan tâm, cô đơn và giảm sự kết nối giữa người thân và xã hội. Có không ít trường hợp, gia đình đến 8 người con nhưng nuôi mẹ tính đủ tháng là lại chuyển sang cho người khác nuôi. Anh em bất hòa vì ganh tị nuôi mẹ… Chưa kế còn tranh chấp nhau vì thừa kế tài sản, anh nhiều em ít… xã hội muôn hình vạn trạng. Tính đến năm 2023, Việt Nam có hơn 16 triệu người cao tuổi. Bên cạnh những nỗi lo về bệnh tật, lão hóa thì không ít người cao tuổi đang và đã trải qua cảm giác cô đơn ở tuổi già khi sống cùng con cháu. Song song với những gia đình kia thì cũng có rất nhiều gia đình đang hạnh phúc, con cái hiếu thuận với cha mẹ, quan tâm chăm sóc cho bố mẹ rất chu đáo.
Hiện nay có rất nhiều mô hình phong phú và đa dạng về chăm sóc người cao tuổi. Chúng ta nên học cách tìm hiểu và áp dụng sao cho phù hợp với ông bà, bố mẹ của mình, để họ luôn cảm thấy về già nhưng vẫn được quan tâm, được lo lắng và yêu thương.
Đối với người cao tuổi, điều quan trọng nhất trong độ tuổi này là yếu tố tinh thần, cảm giác được quý trọng, lễ phép và quan tâm cuộc sống tinh thần. Họ không ăn được nhiều nhưng cần lời nói, cử chỉ, ánh mắt thân thiện. Thể chất người cao tuổi già yếu làm việc không được như ý cần được thấu hiểu và cảm thông… Điều người cao tuổi cần là sự hậu thuẫn chăm sóc từ con cháu, gia đình và xã hội.