Ngày 22/11/2018, UBND tỉnh Vĩnh phúc tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) giai đoạn 2008 – 2018. Chủ trì Hội nghị có Đồng chí Trần Ngọc Oanh – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTTDL, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh.
Để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh, Sở VHTT&DL đã ban hành gần 50 loại văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ từ tỉnh đến tận cơ sở và quần chúng nhân dân được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức và nội dung phong phú như: Tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe loa, tuyên truyền bằng pa nô, băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn….
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc
trong giai đoạn 2008-2018/ Ảnh: vinhphuc.gov.vn
Tính đến nay trên địa bàn tỉnh xây dựng được 350 câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 1.385 cộng tác viên tại thôn, tổ dân phố; 1.385 tổ hòa giải; 707 địa chỉ tin cậy, 229 đường dây nóng…
Theo thu thập thống kê số liệu hàng năm của cơ quan quản lý nhà nước, trong 10 năm từ 2008-2018 toàn tỉnh phát hiện 3.423 vụ bạo lực gia đình, trong đó: 2.005 vụ bạo lực thể xác (58,6%); 998 vụ bạo lực tinh thần (29,2%); 344 vụ bạo lực kinh tế (10%); 76 vụ bạo lực tình dục (2,2%). Nạn nhân của bạo lực gia đình là phái yếu trong gia đình như phụ nữ, trẻ em.
Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Ngọc Oanh – Giám đốc Sở VHTTDL đề nghị: Cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đặc biệt, nêu cao vai trò, trách nhiệm của các đoàn thể, tổ chức chính trị và các thành viên trong gia đình. Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, nâng cao kiến thức về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó chú trọng vào những địa phương có nguy cơ cao về bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội.