Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản số 454/BC-SVHTTDL về việc báo cáo triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
Kết quả thực hiện công tác gia đình tiêu biểu trong năm 2024: Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2024, thành phố Hà Nội đã tổ chức phòng đọc chuyên đề “Gia đình Việt Nam” từ ngày 27/6 đến ngày 02/7/2024 tại 47 Bà Triệu, Hoàn Kiếm và 2B Quang Trung, Hà Đông giới thiệu hơn 100 tài liệu với các nội dung: Đảng và Nhà nước với công tác gia đình; Gia đình Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại; Bạo lực gia đình – Nhận thức và phòng, chống; Các tác phẩm văn học về đề tài gia đình. Phòng đọc chuyên đề đã thu hút 1.400 lượt bạn đọc với 3.000 lượt sử dụng tài liệu. Ngày 22/7/2024, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 221/KHUBND về việc tổ chức Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) nhằm tuyên dương, khen thưởng những gia đình văn hóa điển hình tiêu biểu xuất sắc, có ảnh hưởng và làm nòng cốt trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, được suy tôn và bình chọn công khai, dân chủ, đúng quy định. Kết quả có 87 gia đình văn hóa được tôn vinh và được UBND Thành phố trao tặng Bằng khen gia đình văn hóa. Năm 2024 có 1.962.291/2.091.335 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Bên cạnh đó, năm 2024, toàn thành phố phát hiện 24 hộ bạo lực gia đình, trong đó: 08 vụ bạo lực về tinh thần; 16 vụ bạo lực về thân thể; Biện pháp xử lý: góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư 19 người; áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã/thị trấn 03 người; tạm giữ; xử phạt hành chính 01 người; xử lý hình sự 01 người. Biện pháp hỗ trợ: 15 người được tư vấn (tâm lý, tinh thần, pháp luật); 10 người được chăm sóc, hỗ trợ sau khi bị bạo lực. Duy trì hoạt động 228 Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 480 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 861 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 2.399 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 753 Đường dây nóng đang hoạt động tại các tổ dân phố với sự tham gia tích cực của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên nhằm bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Tăng cường công tác hòa giải đối với các vụ việc có phát sinh mâu thuẫn nhằm hạn chế mâu thuẫn có thể xảy ra bạo lực gia đình.
Phương hướng thực hiện năm 2025: Tiếp tục triển khai và thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình; Tổ chức các hoạt động tháng hành động phòng chống bạo lực gia đình (Tháng 6). Tổ chức các ngày kỷ niệm về Gia đình: Tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3); các hoạt động kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng kỷ niệm Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tổ chức sơ kết 5 năm Chỉ thị số 06-CT/TW. Tổ chức sơ kết thực hiện Chiến lược phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Tổng kết thực hiện Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 (theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Thực hiện công tác báo cáo, thống kê tổng hợp số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương, cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả hoạt động công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại quận, huyện, thị xã.