Sự góp mặt cần thiết của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc đăng các tin bài về bạo lực gia đình là hết sức cần thiết trong xu thế đại chúng hóa. Một mặt, các phương tiện thông tin đại chúng phản ảnh thực trạng, bàn luận về các nguyên nhân cũng như hậu quả của bạo lực gia đình giúp nâng cao nhận thức và huy động cộng đồng hợp sức trong quá trình phòng, chống bạo lực gia đình. Nhưng mặt khác, sự thiếu sót của việc đưa tin chưa chính xác về bạo lực giới, bạo lực gia đình của các phương tiện truyền thông, đó là: “chỉ dừng lại mô tả hành vi bạo lực tại thời điểm xảy ra; Cung cấp thông tin thiếu chính xác về bản chất của bạo lực gia đình,…” làm cho công chúng chưa nhận thức được đầy đủ sự nghiêm trọng của bạo lực gia đình, đồng thời chưa phát huy được hết hiệu quả vai trò của thông tin đại chúng.
Trong một seri các bản tin nội bộ của CSAGA về “Giới trong sản phẩm truyền thông” có bản tin số 3 (6/2009) tập trung nhìn nhận, đánh giá về nhạy cảm giới của người làm truyền thông về vấn đề bạo lực gia đình. Nhóm tác giả khẳng định bên cạnh những bài báo cố gắng phản ánh thực trạng cũng như đưa ra những bàn luận hợp lý về nguyên nhân, hậu quả của bạo lực gia đình thì vẫn còn nhiều bài viết chưa phản ánh đúng bản chất của bạo lực gia đình gây ra những ngộ nhận không tốt đối với cộng đồng. Bởi nếu thông điệp như vậy được phát đi phát lại sẽ khiến công chúng hiểu bạo lực là cách thức có hiệu quả giải quyết mâu thuẫn gia đình, là hành vi tất yếu được xã hội chấp nhận.
Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng như facebook, tiktok, google,…cũng đưa rất nhiều tin về bạo lực gia đình. Đây là tín hiệu cho thấy việc phòng, chống bạo lực gia đình đang được quan tâm, theo dõi. Tuy nhiên, một số bài đăng không tuân thủ quy định che mặt, giấu tên, tuổi, quê quán …(thông tin của người bị bạo lực gia đình, người gây bạo lực gia đình và người thân của họ) dẫn đến ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình. Do vậy cần quản lý chặt chẽ hơn trong việc duyệt các bài, tin đăng tải về bạo lực gia đình trong thời gian tới.