Ngày 14/12 vừa qua, báo chí đồng loạt đưa tin người mẹ trong vụ án ba người con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ ở tỉnh Hưng Yên đã tử vong sau thời gian dài chữa trị. Xuất phát từ mâu thuẫn trong việc phân chia đất đai tại gia đình, ba người con đã gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ, khiến hai người con gái và người mẹ lần lượt tử vong. Có thể nói đây là một vụ bạo lực gia đình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và đã chuyển thành vụ án hình sự, đáng nói hơn là người bị bạo lực gia đình là người mẹ già. Trong những năm qua, vấn đề bạo lực gia đình tại Việt Nam được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn nhưng chủ yếu đề cập hình thức bạo lực giữa vợ chồng, bạo lực trên cơ sở giới mà ít nói đến hoặc bỏ qua hành vi bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình, trong đó có hình thức bạo lực ngược như con cái bạo lực cha mẹ, cháu ngược đãi ông bà.
Hiện nay cả nước có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số. Theo kết quả khảo sát thì có 50,3% hộ gia đình có người cao tuổi đã xảy ra BLGD, 3,0% người cao tuổi bị con cái đánh đập, 8,0% bị đe dọa, nhốt trong và và 15,0% bị bỏ rơi không chăm sóc; có 45,7% người già cho rằng họ thường bị con cái làm mất lòng dẫn tới buồn phiền, 3,9% thường xuyên bị nhiếc móc, 10,7% bị bỏ bê về kinh tế.
Theo số liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, có 15,7% người từ 60 tuổi trở lên đã phải chịu ngược đãi dưới một hình thức nào đó, tương đương cứ khoảng 5 người cao tuổi (NCT) lại có 1 người bị ngược đãi. Các bằng chứng còn cho thấy tình trạng ngược đãi và bỏ mặc NCT có xu hướng gia tăng trong thời gian đại dịch Covid-19. Tuy vậy, chỉ có khoảng 4% các vụ việc được báo cáo và ghi nhận.
Ở Việt Nam, hầu hết người cao tuổi sống ở nông thôn, chỉ có 18,8% sống ở thành thị; 16-17% người cao tuổi có lương hưu và số được hưởng trợ cấp rất ít. Một cuộc điều tra sức khỏe người cao tuổi mới đây cho thấy 95% người già có bệnh, trong đó có khoảng 55% mắc bệnh kinh niên, đau ốm thường xuyên, người già có sức khỏe khá và tốt chỉ chiếm 5,7%. Chính vì vậy, khi bị con cái ngược đãi, người cao tuổi phải chịu hậu quả rất nặng nề vì không có chỗ dựa về vật chất và tinh thần. Tỷ lệ người cao tuổi đang tăng lên nhanh chóng trong bối cảnh các mối quan hệ gia đình truyền thống đang trở nên lỏng lẻo đã và sẽ làm cho người cao tuổi trở thành vấn đề xã hội bức xúc. Việc giải quyết triệt để vấn đề bạo lực gia đình đói với người cao tuổi đòi hỏi sự vào cuộc của hệ thống giáo dục, pháp luật, cộng đồng, gia đình và các cá nhân trong xã hội để người cao tuổi có những năm tháng tuổi già hạnh phúc và an lành.
Hy vọng Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi, sẽ có hiệu lực từ 01/07/2023 sẽ có những chính sách, tạo hành lang pháp lý để người cao tuổi có một cuộc sống tự chủ, được bảo vệ thân thể, tinh thần và cả tài sản theo đúng pháp luật.