Gia đình là tế bào của xã hội, nơi con người sinh ra và lớn lên, nơi thế hệ trẻ được chăm lo cả về thể chất, trí tuệ và nhân cách để gia nhập vào cuộc sống cộng đồng, xã hội. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và có tầm quan trọng quyết định đến việc hình thành nhân cách nói chung, phẩm chất đạo đức nói riêng của cá nhân. Tuy nhiên, trước những biến đổi to lớn của xã hội hiện đại, gia đình Việt đang tiềm ẩn nhiều thách thức
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sâu rộng làm cho cấu trúc gia đình có sự vận động, thay đổi. Các giá trị cốt lõi về gia đình có nguy cơ mai một dần. Áp lực của công việc trong xã hội hiện đại khiến các thành viên ít có thời gian dành cho gia đình hơn, thậm chí có sự sao nhãng trong trách nhiệm với gia đình… dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng nhiều. Bên cạnh đó là hiện tượng những phụ nữ sống đơn thân, một mình sinh con và nuôi con đang có xu hướng tăng. Họ chấp nhận sự bàn luận, xoi mói, thậm chí đàm tiếu của dư luận để được sống theo cách mà họ mong muốn.
Đơn thân có nhiều dạng: người hôn nhân không hạnh phúc; người chưa kết hôn nhưng có con mà không cần lấy chồng. Phụ nữ bây giờ đi làm ngoài xã hội như đàn ông, họ độc lập về kinh tế, có khả năng nuôi con, thậm chí không cần sự hỗ trợ của người chồng nên dám ly hôn – điều mà ngày xưa rất khó khăn.
Rõ ràng, so với phụ nữ thế hệ trước, phụ nữ hiện đại do có nhiều điều kiện để phát triển bản thân nên giỏi giang, có thể tự chủ về mọi thứ trong cuộc sống, tuy nhiên, có một thực tế rằng, dù xã hội phát triển đến đâu thì vai trò của mỗi người một khác. Không ai có thể “đổi vai” cho ai một cách trọn vẹn được. Dạy dỗ con cái biết sống đàng hoàng, tử tế xem ra vai trò của người cha cũng rất lớn. Nếu không vì hoàn cảnh khiến “vầng trăng xẻ đôi” thì gia đình truyền thống với con cái có đủ đầy cha mẹ vẫn là điều tốt đẹp hơn nhiều.
Theo các chuyên gia tâm lý, quốc gia nào cũng lo ngại về hiện tượng mẹ đơn thân. Đây là dấu hiệu của sự tan vỡ tế bào gia đình. Việc xuất hiện và gia tăng các loại hình gia đình phi truyền thống như: đơn thân, ly hôn, đồng giới, gia đình không có con… cho thấy quan niệm của người Việt về gia đình đã có nhiều thay đổi. Một bộ phận không nhỏ trong xã hội cũng đã dần chấp nhận sự tồn tại của các loại hình gia đình mới này. Điều này đã và đang đặt ra những thách thức đối với việc giữ gìn những giá trị của gia đình Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù xã hội ngày càng cởi mở hơn với những gia đình phi truyền thống song số đông vẫn đứng ở góc nhìn giá trị truyền thống về sự toàn vẹn gia đình để nhìn nhận nên đã có định kiến về các loại hình gia đình khuyết thiếu này. Cần phải nhìn nhận thực tế rằng: một gia đình truyền thống có đầy đủ cả cha và mẹ, trong đó mọi người yêu thương, chia sẻ và chăm sóc lẫn nhau. Đó là mong muốn của tất cả mọi người. Nhưng do những lý do về cá nhân, không có cơ hội được lựa chọn một gia đình như thế thì một gia đình “khuyết về vỏ” nhưng đầy ắp tình yêu thương vẫn là lựa chọn tối ưu. Nhu cầu được sống vui vẻ, hạnh phúc là mong ước của tất cả mọi người. Để đạt được điều đó thì những đức tính như là hiếu lễ, tình yêu thương và sự sẻ chia vẫn luôn là giá trị cốt lõi và bất biến mà gia đình Việt Nam dù ở loại hình gia đình nào và thời đại nào cũng nên hướng tới.