Giai đoạn 2009-2019, đã có 33.275 vụ bạo lực gia đình mà người gây bạo lực được xử lý, trong đó biện pháp góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư được áp dụng chủ yếu (24.523 vụ, chiếm khoảng 73,6%); áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là 977 vụ, các biện pháp giáo dục là 5.532 vụ; tạm giữ xử phạt hành chính là 1.893 vụ và xử lý hình sự 350 vụ. Trong giai đoạn này, có 17.415 người gây bạo lực và 17.841 nạn nhân bạo lực gia đình được tư vấn về các kiến thức, kỹ năng, hành vi phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong hơn 10 năm qua, có khoảng 24.985 nạn nhân bạo lực gia đình đến các cơ sở khám chữa bệnh, 16330 nạn nhân được các trợ giúp bởi các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và 2726 nạn nhân được các cơ sở bảo trợ xã hội trợ giúp. Bên cạnh đó, các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng trên cả nước cũng đã hỗ trợ, giúp đỡ cho 34.263 nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Công tác xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về bạo lực gia đình được quan tâm tổ chức thực hiện tại cộng đồng chủ yếu là góp ý, hòa giải, phê bình tại khu dân cư, phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền; khởi tố hình sự những vụ cố ý gây thương tích, hành hạ người khác, hủy hoại tài sản, giết người. Công tác phát hiện, tố giác, ngăn ngừa, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về bạo lực gia đình chưa được thực hiện đồng bộ, chủ yếu do nạn nhân tố giác. Các biện pháp xử lý vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình như góp ý, hòa giải, phê bình tại cộng đồng, xử phạt hành chính chưa đảm bảo tính răn đe.
Nhìn chung, các địa phương đã nghiêm túc chỉ đạo thực hiện các văn bản, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật ở các cấp; thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; chú trọng triển khai Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; phát hiện và xử lý hành chính, hình sự một số trường hợp gây bạo lực gia đình.
Nhìn chung, nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng và về vai trò quan trọng của gia đình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung đã được thay đổi và nâng cao đáng kể. Các hoạt động tuyên truyền do các cấp, các ngành thực hiện đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hiểu rõ hơn về pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình. Đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong đó có nội dung phòng, chống bạo lực gia đình được Bộ VHTTDL phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Truyền hình kỹ thuật số Việt Nam (Kênh VTC16), Báo Gia đình và Xã hội, Báo Văn hóa, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam, Tạp chí Gia đình và Trẻ em,… xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chương trình tuyên truyền. Năm 2017, Bộ VHTTDL đã xây dựng Trang thông tin điện tử về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình nhằm tăng cường và chủ động hơn trong công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình.
Các tỉnh/thành đã xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án tại địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; tổ chức các sự kiện truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), ngày
Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tháng 6).
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”. Nội dung tuyên truyền đã góp phần phổ biến kiến thức về pháp luật, chính sách về hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phát triển kinh tế, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình.
Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đã được triển khai trên diện rộng và được lồng ghép vào các phong trào của từng ngành, đoàn thể gắn với các tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá. Mặt khác, công tác phối hợp, tổ chức thực hiện giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền từng lúc, từng nơi chưa đồng bộ do thiếu sự kết hợp chặt chẽ; hình thức tuyên truyền chưa phong phú, còn đơn điệu, chưa đảm bảo về chiều sâu, chủ yếu là lồng ghép trong sinh hoạt khác tại cơ quan, đơn vị và khu dân cư; đội ngũ làm công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên thay đổi; mô hình phòng, chống bạo lực gia đình chưa đảm bảo nội dung, thời gian sinh hoạt chưa đều, chưa thu hút được đông đảo thành viên tham gia.