Việc phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật trẻ em được tổ chức theo nhiều hình thức đa dạng, phong phú và đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể:
Lồng ghép các nội dung, quy định của pháp luật trẻ em trong các hoạt động truyền thông về gia đình và công tác gia đình nhân các ngày kỷ niệm về gia đình năm 2022: Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 với chủ đề “Yêu thương, chia sẻ”. Đặc biệt là chuỗi các hoạt động truyền thông kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 với chủ đề “Gia đình bình an- Xã hội hạnh phúc”. Chủ đề và các thông điệp truyền thông nhấn mạnh vào vai trò của các thành viên gia đình trong việc xây dựng gia đình bình an, không có bạo lực, xâm hại với trẻ em, góp phần xây dựng xã hội hạnh phúc, bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn các tỉnh, thành chủ động tổ chức các hoạt động, hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương như: Xây dựng và phát sóng các chuyên trang, chuyên mục trên các cơ quan truyền thông đại chúng; tuyên truyền chủ đề, thông điệp truyền thông “Bảo vệ trẻ em an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình”, “Bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ em”, “Bảo vệ trẻ em trong gia đình bằng hạnh phúc, bình yên”… trên hệ thống băng rôn áp phích; tổ chức các Tọa đàm về việc xây dựng gia đình, hệ giá trị gia đình trong tình hình mới…
Bộ đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền về vai trò của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em trên báo, tạp chí. Với nội dung chính như sau: tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình; các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có đối tượng là trẻ em trong gia đình trên cả nước; kiến thức, kỹ năng cơ bản để phòng, chống xâm hại trẻ em cho các thành viên trong gia đình; việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất của trẻ không may bị xâm hại để hạn chế thấp nhất những hệ quả của việc bị xâm hại với trẻ em; những kinh nghiệm hay; nêu gương những tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp vào việc thực hiện công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình. Việc tuyên truyền bảo đảm tiếp cận được với nhiều đối tượng, đặc biệt tại những vùng còn khó khăn, khó tiếp cận với thông tin điện tử. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng của các thành viên gia đình trong phòng, chóng xâm hại trẻ em.
Tiếp tục truyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với tiêu chí ứng xử chung là: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Tiêu chí ứng xử của cha, mẹ với con; ông, bà với cháu: Gương mẫu, Yêu thương. Chính tình yêu thương của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu sẽ là yếu tố đầu tiên để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại trong gia đình và ngoài xã hội.