Một số nước đã tăng cường sử dụng các ứng dụng trên điện thoại di động như là một kênh mới để tiếp cận những người trẻ tuổi. Ví dụ như việc cung cấp dịch vụ chăm sóc và nhắn tin cho thanh niên được đánh giá rất nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, do thiếu sự hỗ trợ từ các kênh mang tính trực tiếp khác, hiệu quả của hoạt động hỗ trợ trên điện thoại di động chưa mang lại hiệu quả, chưa có đánh giá về tác động của các can thiệp kỹ thuật số đối với việc cải thiện kết quả sức khỏe thể chất và tinh thần của thanh niên (Lianne Gonsalves và cộng sự, 2018).
Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy, các nhà cung cấp dịch vụ cần hiểu yếu tố thúc đẩy, những rào cản đối với thanh niên tìm đến dịch vụ. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần đánh giá sự hiểu biết về sự đa dạng của giới trẻ, trình độ kiến thức và nhận thức của họ. Đặc biệt, cần đánh giá về nhu cầu không gian, thời gian, chi phí sẵn sàng chi trả của thanh niên khi tham gia các hoạt động về giáo dục tiền hôn nhân (GDTHN) (Lynn M Atuyambe và cộng sự, 2015).
Cần đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho các đơn vị cung cấp dịch vụ, đặc biệt về giao tiếp và kỹ năng tương tác với khách hàng trẻ (Farzana Alli và cộng sự, 2013). Cùng với đó, cần cải thiện việc cung cấp thiết bị và công cụ, đào tạo các nhà cung cấp dịch vụ về dịch vụ thân thiện với thanh niên, phân phối tài liệu thông tin dịch vụ đầy đủ cho thanh niên.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra thanh niên còn ít trao đổi với cha mẹ về các vấn đề gặp phải, chỉ có 37% học sinh đã từng thảo luận với cha mẹ của họ (Mulatuwa Ayalew và cộng sự, 2014). Đối với vấn đề SKSS, hơn 50% cả nam (58,7%) và nữ (57,3%) cho biết họ thích nhận thông tin liên quan đến SKSS và tình dục từ bạn bè hơn là từ cha mẹ (Dessalegn W Tesso và cộng sự, 2012). Tương tự Bazarganipour chỉ ra khoảng 1/3 số người tham gia cho biết họ gặp khó khăn khi thảo luận về sức khỏe tình dục với các bà mẹ (Fatemeh Bazarganipour và cộng sự, 2013).