Về biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình (Điều 24), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định khi nhận được tin báo, tố giác về bạo lực gia đình thì Công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã để làm rõ thông tin và giải quyết vụ việc thay vì quy định chỉ khi Công an được phân công giải quyết vụ việc. Có ý kiến đề nghị bổ sung biện pháp xử lý trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không chấp hành yêu cầu đến trụ sở Công an xã. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc áp dụng biện pháp này đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.
Cơ quan soạn thảo thấy rằng, đây là biện pháp mới được bổ sung, mang tính răn đe cao. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi thì chỉ nên áp dụng biện pháp này đối với một số trường hợp tin báo, tố giác về bạo lực gia đình giao Công an cấp xã xử lý (các trường hợp mà người bị bạo lực là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc các vụ việc bạo lực gia đình có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực). Ngoài ra, cần có biện pháp để buộc người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã theo yêu cầu. Do vậy, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh lý như thể hiện tại Điều 24 dự thảo Luật. Đồng thời cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu để áp dụng các biện pháp quy định tại Luật này đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.
Ngoài các nội dung nêu trên, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã rà soát, tiếp thu, giải trình và chỉnh lý các nội dung về: nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 4), Tháng hành động phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 7), quyền và trách nhiệm của những đối tượng có liên quan (Điều 9, 10, 11, 12), thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 14 đến Điều 16), sử dụng âm thanh, hình ảnh về vụ việc bạo lực gia đình (Điều 21), giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình (Điều 31), địa chỉ tin cậy (Điều 36), phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 44), trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 47), trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ (Điều 49), trách nhiệm của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Điều 53).