Khái niệm Xây dựng môi trường văn hóa gia đình là khái niệm đưa ra để làm việc, do vậy có thể hiểu theo các hàm nghĩa sau: (1) Xây dựng môi trường văn hóa gia đình là xây dựng môi trường văn hóa tại/của/trong gia đình; (2) Xây dựng môi trường văn hóa gia đình là xây dựng môi trường văn hóa có tính chất gia đình (gia đình mang nghĩa tính từ); (3) Xây dựng môi trường văn hóa là xây dựng môi trường của văn hóa gia đình (văn hóa gia đình được dùng như một khái niệm chỉ văn hóa của một nhóm xã hội đặc thù).
Vấn đề đặt ra là xây dựng môi trường văn hóa tại gia đình có khác gì với xây dựng văn hóa gia đình?
Theo chúng tôi, xây dựng môi trường văn hóa tại gia đình là xây dựng môi trường hay kiến tạo không gian văn hóa bao chứa văn hóa gia đình và bao gồm cả xây dựng văn hóa gia đình. Hai bộ phận này có tác động qua lại với nhau một cách hữu cơ sẽ tạo nên môi trường văn hóa gia đình. Như vậy, xây dựng môi trường văn hóa tại gia đình rộng hơn xây dựng văn hóa gia đình, song yếu tố cốt lõi của xây dựng môi trường văn hóa tại gia đình là xây dựng văn hóa gia đình.
Vậy văn hóa gia đình là gì? Theo nhận thức của chúng tôi, văn hóa gia đình là một dạng đặc thù của văn hóa cộng đồng (dựa trên hai quan hệ cơ bản là: hôn nhân và huyết thống) bao gồm tổng thể hữu cơ các giá trị, chuẩn mực và khuôn mẫu hành xử của cộng đồng được các thành viên của gia đình tiếp nhận và sáng tạo nên, được đưa vào vận thông trong ứng xử với nhau ở gia đình và với xã hội.
Xây dựng môi trường văn hóa gia đình là xây dựng (hay kiến tạo) không gian văn hóa, tạo điều kiện cho văn hóa gia đình tồn tại và phát triển bền vững. Không gian văn hóa tại gia đình là một không gian hữu cơ gắn kết hài hoà giữa các yếu tố vật thể và phi vật thể, yếu tố môi sinh và yếu tố tinh thần trong các quan hệ của gia đình mang tính nhân văn, tiến bộ – cái nôi của văn hóa gia đình. Cũng có thể xem xây dựng môi trường văn hóa gia đình là xây dựng một tiểu môi trường văn hóa cộng đồng (xã hội) tại mỗi gia đình. Hơn nữa, xây dựng môi trường văn hóa gia đình còn được hiểu là xây dựng “hạt nhân” của môi trường văn hóa cộng đồng, theo ý nghĩa đạo đức nhân sinh của nó. Trong trường hợp này, cần hiểu sâu hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”.