Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) (sau đây viết tắt là dự án Luật) được xây dựng dựa trên 3 Chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua, đó là:
Chính sách 1: Các biện pháp phòng ngừa BLGĐ, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.
Chính sách 2: Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác PCBLGĐ.
Chính sách 3: Khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ
Dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục của Luật ban hành VBQPPL. Tính đến nay, dự án Luật đã nhận được các ý kiến đóng góp như sau: Trên 170 ý kiến góp ý bằng văn bản của các cơ quan từ trung ương đến địa phương; tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội: được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ với 123 lượt ý kiến, thảo luận tại Hội trường với 21 lượt ý kiến và 02 ý kiến gửi bằng văn bản. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và nhất trí với nhiều nội dung chính của dự án Luật.
Ngày 08/8/2022, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thảo luận và cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Đồng thời, Thường trực Ủy ban Xã hội đã gửi văn bản đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tham gia ý kiến đối với dự thảo Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và dự thảo Luật.
Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và dự thảo Luật (Thông báo số 1382/TB-TTKQH, của Tổng Thư ký Quốc hội, ngày 22/8/2022 Thông báo kết luận của UBTVQH về dự án Luật) để gửi xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra đã kịp thời chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra, đó là: bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả”, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới.
Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan chỉnh lý dự thảo Luật. Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có 6 chương, 56 điều, ít hơn 06 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, bỏ 03 điều (các Điều 2, 47 và 61 dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba), bổ sung 03 điều (các Điều 33, 39 và 55).
Ngày 14/11/2022, có 474 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (chiếm 95,18%), trong đó có 465 đại biểu tán thành (chiếm 93,37%) thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022.