Thời gian gần đây, vấn đề văn hóa gia đình đã dần được quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội chuyển đổi phức tạp đa chiều và đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng. Lĩnh vực gia đình đã có những bước tiến dài với sự ra đời của các luật về gia đình và liên quan cùng các Chiến lược phát triển gia đình được phê duyệt bởi Thủ tướng chính phủ. Việc nhà Quốc hội tiến hành sửa đổi bổ sung Luật Hôn nhân gia đình (2001) và thay thế bằng Luật Hôn nhân gia đình mới chính thức có hiệu lực vào tháng 1 năm 2015 đã cho thấy luật pháp về gia đình đã có sự cập nhật để theo kịp những biến đổi phức tạp trong thực tiễn đời sống gia đình đương đại, thể hiện trên các phương diện cấu trúc, chức năng, sự đa dạng của gia đình và các giá trị chuẩn mực trong gia đình… Tuy nhiên vấn đề chính sách pháp luật của nhà nước về gia đình nói chung, văn hóa gia đình nói riêng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Mặc dù gia đình luôn được coi là “tế bào” của xã hội và văn hóa gia đình là yếu tố trọng yếu trong việc hình thành nhân cách, đạo đức và lối sống cá nhân, nhưng tầm quan trọng và lợi ích của nó lại chưa được nhận thức đầy đủ và chưa được cụ thể hóa thành các chính sách cụ thể. Các chính sách của nhà nước mới chỉ dừng lại ở những chính sách chung chung, để thực thi thì cần phải nhờ tới những văn bản hướng dẫn dưới luật khá phức tạp. Ví dụ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có tới 02 văn bản hướng dẫn thi hành là Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định 110/2009NĐ ngày 10/02/2009 quy định về các mức xử phạt hành chính. Hơn nữa, ở Việt Nam có nhiều tộc người cùng sinh sống, gắn với mỗi tộc người lại có những tập tục riêng, nên việc áp dụng và thực thi pháp luật ở những tộc người này thường gặp nhiều khó khăn. Các phong trào, hành động về gia đình nhằm đưa luật pháp đến gần hơn với cuộc sống như “phong trào xây dựng gia đình văn hóa”, “phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư”.. trên thực tế vẫn còn nhiều điều phải bàn. Ví dụ, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, một mặt nó có ý nghĩa biểu trưng cho sự tôn trọng và quan tâm của Nhà nước về mặt chính sách đối với văn hóa gia đình, song ở một khía cạnh khác, chủ chương này chủ yếu nhằm mục đích tuyên truyền chính trị để gia đình thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước chứ không phải vì bản thân văn hóa gia đình. Các cuộc vận động xây dựng các chuẩn mực văn hóa mới trong gia đình qua việc cưới, việc tang suốt mấy chục năm qua cũng trong tình trạng như vậy. Sự bùng nổ mạnh mẽ những phong tục, nghi lễ liên quan đến việc cưới, việc tang theo hướng ngày càng phô trương, bất chấp nỗ lực cải cách và đơn giản hóa nghi thức cưới xin của Nhà nước là một ví dụ.
Ở một khía cạnh khác, việc không có kinh phí dành riêng cho việc triển khai thực hiện các vấn đề về gia đình đã được quy định trong khung luật pháp, pháp lệnh, chiến lược mà phải điều chỉnh từ các nguồn kinh phí khác với mức độ điều chỉnh rất thấp, vì vậy việc thực hiện các chính sách pháp luật về gia đình thường chỉ được lồng ghép trong các kế hoạch khác của địa phương nên hiệu quả không cao.
Trong bối cảnh kinh tế xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại trên mọi vùng miền, và cùng với nó là quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã mang lại những tích cực về mặt kinh tế, song cũng đã để lại đằng sau những hệ lụy to lớn về văn hóa, trong đó có văn hóa gia đình. Sự phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, thay đổi phương thức sinh kế, các dịch vụ xã hội và truyền thông đã tạo nên những bước đột phá về kinh tế, nhưng sự phá vỡ những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống thì vẫn chưa được đánh giá hết. Trong khi đó, các giá trị mới tích cực chưa thực sự hình thành, các yếu tố mới tiêu cực lại đang lấn át, đã tạo nên một môi trường văn hóa không chỉ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách bình thường mà còn tạo nên những xung đột về giá trị (Phạm Đỗ Nhật Tiến, 2014:15). Ngoài ra vẫn còn tình trạng chuộng bằng cấp và hình thức, háo danh, ham quyền lực, tham ô, lãng phí, tham nhũng,… (Ngô Văn Doanh: 2013:26). Với sự chuyển đổi phức tạp và đa chiều nói trên, lối sống trong gia đình cũng biến đổi ngày càng đa dạng với những sở thích, lựa chọn của các nhóm tuổi khác nhau. Nhiều xu hướng và sở thích trong tình yêu, tình dục, xu hướng nghề nghiệp, vấn đề tình dục trước hôn nhân… là những xu hướng trước đây không được xã hội chấp nhận nhưng nay tồn tại như một sự thách thức đối với văn hóa gia đình… Tất cả những điều này đòi hỏi phải có những nghiên cứu sâu rộng về mặt chính sách để nhận diện được thực trạng cũng như những tác động của nó trong đời sống xã hội hiện nay nhằm điều chỉnh văn hóa gia đình cho phù hợp với xu thế mới. Mặt khác, để cho những chính sách gắn với gia đình nói chung, văn hóa gia đình nói riêng mang tính thực tế và hiệu quả thì một trong những nguyên tắc căn bản là phải nhìn nhận nó trong trong mối tương quan tổng thể với các chiều cạnh văn hóa, kinh tế, xã hội.