Ngày 20 tháng 9 năm 2022, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo số 231-BC/UBND về việc sơ kết 05 năm thực hiện Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL quy định việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Sau 05 năm triểm khai thực hiện Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Khánh Hòa có những thuận lợi và khó khăn như sau:
Về thuận lợi
Công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa, chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp của các sở, ban ngành, cơ quan là thành viên Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp, các tổ chức, đoàn thể trong tỉnh. Do đó, đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình mang lại hiệu quả, thiết thực; góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trong việc triển khai thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương; nhận được sự quan tâm của cộng đồng dân cư, tạo sự thay đổi về nhận thức, hiểu rõ hơn về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và tầm quan trọng của công tác gia đình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay; từng bước phát huy những giá trị truyền thống quý báu, tốt đẹp của gia đình Việt Nam, giữ gìn và phát huy những chuẩn mực của gia đình nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể được xây dựng và phối hợp liên tục, chặt chẽ, góp phần rất lớn trong công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, tư vấn và xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cá nhân, gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Tình trạng xảy ra bạo lực gia đình đã được khắc phục, không có những vụ bạo lực nghiêm trọng xảy ra, góp phần ổn định cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong từng hộ gia đình. Thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình “Ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng được chú trọng và phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Về Khó khăn: Hiện nay công tác thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, văn bản hướng dẫn có liên quan chưa được thường xuyên và sâu rộng; cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới công tác gia đình; sự phối hợp của các sở, ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện công tác gia đình chưa sâu sát, kịp thời; mặt khác tình hình dịch Covid – 19 còn tiềm ẩn phức tạp, kéo dài cho nên tình trạng thất nghiệp, mất việc làm, đời sống kinh tế khó khăn dẫn đến nguy cơ bạo lực gia đình có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, cán bộ theo dõi, nắm bắt thông tin, bám sát địa bàn không thường xuyên, liên tục và ở các thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh chưa có đội ngũ cộng tác viên làm công tác gia đình. Vì vậy, việc báo cáo số liệu về gia đình và bạo lực gia đình chưa kịp thời, chuẩn xác. Không có kinh phí hỗ trợ cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình nói chung và công tác thu thập số liệu, cập nhật sổ theo dõi thông tin gia đình và phòng chống bạo lực gia đình nói riêng. Công tác triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình còn thiếu đồng bộ. Nội dung sinh hoạt và hoạt động các Câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình chất lượng chưa cao, chưa thực sự thu hút được sự tham gia của các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Chưa bố trí được cán bộ chuyên trách cho công tác gia đình ở địa phương; hầu hết kiêm nhiệm nhiều công việc, thường xuyên thay đổi, luân chuyển vị trí. Do đó việc cập nhật, thu thập thông tin còn hạn chế, chưa kịp thời; ảnh hưởng đến chất lượng nội dung báo cáo. Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL có những tiêu chí thống kê như: Số hộ gia đình chỉ có cha hoặc mẹ sống chung với con; Số hộ gia đình 1 thế hệ (vợ, chồng); Số hộ gia đình có 2 thế hệ; Số hộ gia đình có 3 thế hệ trở lên; Số hộ gia đình khác phải thực hiện tổ chức thống kê, khảo sát và tổng hợp hàng năm, giai đoạn. Tuy nhiên, những chỉ tiêu này khó thống kê, có những cách hiểu khác nhau, tính chính xác của số liệu chưa cao. Trong 04 hình thức bạo lực mà Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL quy định thống kê, báo cáo gồm: Tinh thần, thân thể, tình dục, kinh tế thì 03 hình thức bạo lực: Tinh thần, tình dục, kinh tế khó theo dõi, xác định để thống kê chính xác.