Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản số 2357/KH-SVHTT về kế hoạch tổ chức tọa đàm chuyên đề về “Công tác phòng, chống bạo lực gia đình – thực trạng và giải pháp” trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Mục đích tổ chức tọa đàm nhằm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1439/QĐ-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đánh giá thực trạng công tác quản lý hành chính nhà nước lĩnh vực gia đình: những thuận lợi, khó khăn; kiến nghị những giải pháp hiệu quả, sáng tạo trong quá trình thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình. Tạo sự chuyển biến tích cực quan tâm triển khai thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; thông qua tọa đàm, các đơn vị, chuyên gia chia sẻ các kinh nghiệm những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý hành chính nhà nước lĩnh vực gia đình nói chung và công tác phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng.
Tọa đàm với chủ đề: “Công tác phòng, chống bạo lực gia đình – Thực trạng và giải pháp” được tổ chức trong tháng 7 năm 202 tại Hội trường Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu, Quận 3. Các chuyên đề được trình bày tại tọa đàm: Thực trạng và giải pháp công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố; Nghiệp vụ xử lý hành vi bạo lực gia đình ở cấp cơ sở; Những kinh nghiệm cơ bản trong hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình; Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho nạn nhân và người gây bạo lực ở cơ sở; Kinh nghiệm nâng cao kiến thức pháp lý và kỹ năng công tác hòa giải ở cơ sở; Một số kinh nghiệm trong việc can thiệp, hỗ trợ của khu phố, ấp, tổ dân phố khi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ, đội nhóm trong việc phòng, chống bạo lực gia đình; Bạo lực gia đình và các giải pháp xử lý các vụ bạo lực gia đình; Một số hình thức truyền thông hiệu quả; Những hạn chế của công tác truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình; Kỹ năng tư vấn tâm lý cho nạn nhân bạo lực gia đình; Nguồn lực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình (nhân sự, kinh phí, chất lượng hoạt động); Công tác thu thập số liệu báo cáo về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, thực trạng và giải pháp; Giải pháp thúc đẩy công tác kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở.