Văn hóa gia đình đối với xã hội không chỉ gián tiếp thông qua tác động của nó với gia đình mà còn trực tiếp tác động tới các lĩnh vực của đời sống xã hội, tinh thần, đạo đức, lối sống, kinh tế, chính trị, khoa học, thẩm mỹ… Văn hóa gia đình góp phần duy trì và phát triển văn hóa các nhóm cộng đồng xã hội, dòng họ, làng xã, dân tộc, giai cấp; lưu giữ, bảo tồn các giá trị, chuẩn mực văn hóa truyền thống tốt đẹp của các cộng đồng trong đời sống gia đình. Ví dụ gia đình truyền thống Việt Nam xưa coi trọng gia phong, gia đạo, gia lễ; các giá trị trung-hiếu, hiếu-nghĩa luôn luôn được đề cao, hòa quyện bổ sung cho nhau…
Qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng những giá trị truyền thống quý báu của gia đình Việt Nam, như: lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách vẫn được giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Gia đình đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Gia đình với tư cách là tế bào của xã hội, một thiết chế xã hội nên gia đình vừa chịu tác động của xã hội, vừa tác động lại xã hội. Văn hóa gia đình và văn hóa xã hội cũng tác động lẫn nhau như sự tác động của gia đình và xã hội, tác động của gia đình và văn hóa gia đình cũng chính là sự tác động của mỗi cá nhân đối với xã hội. Nhưng mỗi cá nhân đều bắt đầu từ gia đình, văn hóa gia đình.
Văn hóa cá nhân, văn hóa gia đình, văn hóa xã hội có mối quan hệ chặt chẽ, khăng khít như 3 đỉnh của một tam giác văn hóa. Hiện nay, văn hóa gia đình Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn về quy mô và các giá trị như sau:
1. Gia đình duy trì, giữ nếp văn hóa gia đình truyền thống nhiều thế hệ cùng chung sống (tam, tứ đại đồng đường), trong đó các thế hệ trong gia đình sống theo đạo lý “kính trên, nhường dưới”, “anh em như thể tay, chân”, “chị ngã, em nâng”, “mọi người cùng quan tâm yêu thương chăm sóc lẫn nhau”… Mô hình này thuộc gia đình kép (hay còn gọi là gia đình truyền thống mở rộng từ ba thế hệ trở lên) thường xuất hiện phần nhiều ở khu vực nông thôn.
2. Xây dựng gia đình hiện đại, giàu có, ít con, hạnh phúc trên cơ sở văn hóa gia đình truyền thống, có sự giúp đỡ, hỗ trợ giữa các thế hệ, bảo lưu có chọn lọc giá trị văn hóa gia đình truyền thống, là xu thế phù hợp nhất tạo nên gia đình tiên tiến, vừa hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Đây chính là mô hình gia đình văn hóa chúng ta cần xây dựng, phát triển. Mô hình này thuộc gia đình đơn (hay còn gọi là gia đình hạt nhân, gia đình hiện đại) gồm hai thế hệ (vợ, chồng, con cái) thường xuất hiện ở khu vực thành thị.
3. Xây dựng gia đình hiện đại chỉ có 2 thế hệ, tính tự do cá nhân được đề cao, ít liên hệ với quá khứ, cội nguồn. Do đó xảy ra tình trạng nhiều người già lâm vào tình trạng cô đơn ít được chăm sóc chu đáo.
Nguyên nhân của sự lựa chọn này là do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và hội nhập quốc tế đã tạo nhiều cơ hội và điều kiện để gia đình ổn định và phát triển, đồng thời cũng đặt gia đình vào thế cần lựa chọn và vận động để thích nghi với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế – xã hội của xã hội hiện đại. Bởi vậy, các gia đình đã lựa chọn và phân chia để hoàn thiện các chức năng vốn có của gia đình mình, theo xu thế vận động và phát triển của xã hội hiện nay.
TS. Hoàng Thị Bình