Hôn nhân là một trong những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi người, theo đó mỗi gia đình hạnh phúc, hoà thuận sẽ thúc đẩy xã hội phát triển. Gia đình là tế bào của xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc là mong muốn của các thành viên trong gia đình và cũng là trách nhiệm của các tổ chức xã hội để gia đình phát triển lành mạnh, tốt đẹp. Xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ dựa trên nền tảng của tình yêu đôi lứa mà còn đòi hỏi mỗi thành viên trong gia đình phải có kiến thức, kĩ năng ứng xử, tổ chức cuộc sống gia đình. Làm vợ – làm mẹ, làm chồng – làm cha là những “nghề” đặc biệt, cần phải được học, cung cấp, trang bị kiến thức, kỹ năng về đời sống gia đình để tự tin xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
Thực tế hiện nay, ngày càng tồn tại nhiều vấn đề xảy ra với các gia đình, đặc biệt là ở các gia đình trẻ. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy tỷ lệ ly hôn của các gia đình Việt Nam tăng lên so với cùng kỳ năm 2009 (tăng lên từ 1,4% lên 2,1%), đặc biệt chiếm tỷ lệ cao ở các gia đình trẻ xấp xỉ độ tuổi 30 (Tổng cục dân số, 2019). Ngoài ra, các vấn đề khác như tảo hôn, lựa chọn giới tính khí sinh, trầm cảm sau sinh, mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, khó khăn về quản lý tài chính…đặc biệt là bạo lực gia đình (BLGĐ) đang rất đáng báo động. Báo cáo Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 của UNFPA cho thấy có tới 63% phụ nữ kết hôn đã từng bị BLGĐ, điều này đe dọa rất nhiều đến sự phát triển, hạnh phúc gia đình (GSO và UNFPA, 2020). Số liệu do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (Unicef) cung cấp cho thấy, khoảng 68,4% trẻ em từng bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực ngay tại nhà, một trong những nguyên nhân quan trọng là cha mẹ thiếu kiến thức về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con.
Tuổi thanh thiếu niên (bao gồm vị thành niên và thanh niên) đã được công nhận là thời điểm quan trọng đối với sự phát triển về thể chất, tinh thần và hành vi, tạo nền tảng cho phần còn lại của cuộc đời một cá nhân. Thanh thiếu niên gặp nhiều vấn đề sức khỏe trước hôn nhân bao gồm sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục và các vấn đề khác. Theo điều tra quốc gia về sức khỏe vị thành niên SAVY2, Việt Nam là 1 trong 3 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, trong đó 20% là lứa tuổi vị thành niên, trên cả nước có 5% vị thành niên nữ sinh con trước 18 tuổi (Bộ Y tế, 2010). Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra tỷ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng có xu hướng trẻ hóa và tăng tỷ lệ tăng nhanh.
Tuy vậy, có rất ít nghiên cứu tổng thể về kiến thức và nhu cầu của thanh thiếu niên giai đoạn trước hôn nhân. Ngay cả các sáng kiến, can thiệp chăm sóc sức khỏe thanh thiếu niên cũng thường chỉ bao gồm một số nội dung, và các nội dung này thường tập trung vào các chủ đề cụ thể như SKSS, hoặc chỉ vấn đề giới mà không được điều chỉnh cho phù hợp để sử dụng cho thanh niên.
Tại Việt Nam, việc trang bị kiến thức, kỹ năng trước hôn nhân cho nam, nữ thanh niên trong thời gian qua đã được quan tâm hơn. Những chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan như Chỉ thị số 49- CT/TW ngày 21 tháng 2 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chiến lược Phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng có đề cập chỉ tiêu “90% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống BLGĐ”. Ngoài ra, các văn bản, chính sách khác như Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020 theo Quyết định số 1028/QĐ – TTg ngày 8/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chiến lược Dân số và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 theo Quyết định số 2013/QĐ – TTg ngày 14/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…cũng đặt ra các chỉ tiêu liên quan đến tập huấn, giáo dục và trang bị kiến thức, kỹ năng cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn.
Các Bộ, ngành như Bộ Y tế, Trung ương Đoàn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…đã tổ chức các khóa, lớp tập huấn, khám sức khỏe trước hôn nhân cho nam, nữ thanh niên. Trong khuôn khổ Dự án 3 – Đề án 279 “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững (2014-2020), TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã chỉ đạo các nội dung, trong đó quan tâm thí điểm tập huấn về giáo dục trước hôn nhân (GDTHN) cho nam, nữ thanh niên. Cấp Trung ương đã thí điểm tổ chức tại 10 tỉnh, thành cho gần 1000 nam, nữ thanh niên, qua đó cung cấp kiến thức các kỹ năng về xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc sức khỏe, tổ chức cuộc sống gia đình. Ngoài ra, các can thiệp cũng được Tổng cục Dân số, Đoàn Thanh niên và các bên liên quan khác như ngành giáo dục, ngành y tế và các tổ chức phi chính phủ cũng thực hiện can thiệp ở các quy mô nhỏ lẻ. Tại các địa phương, nội dung SKSS cũng dần được lồng ghép vào sinh hoạt tại các câu lạc bộ, mô hình, tuy nhiên hoạt động chưa mang tính tổng thể. Do vậy, cần thiết phải tiến hành nghiên cứu để khảo sát quy mô lớn hơn nhằm đánh giá thực trạng, nhu cầu và đề xuất khuyến nghị cho nam nữ thanh niên, góp phần nâng cao, gìn giữ hạnh phúc gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ.