Chủ đề bạo lực gia đình ở Việt Nam được giới nghiên cứu quan tâm khá sớm song các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào một số nhóm đối tượng, chiều cạnh nhất định của vấn đề. Một số nghiên cứu tìm hiểu về mối quan hệ của bạo lực gia đình như bạo lực trong mối quan hệ hôn nhân, bạo lực trong mối quan hệ nuôi dưỡng. Các nghiên cứu được thực hiện cơ bản không đánh giá trực tiếp việc thực hiện Luật mà thường đo hiệu quả thông qua đánh giá tình hình bạo lực gia đình như thực trạng, nguyên nhân, tác động của các hình thức bạo lực: thể xác, tình dục, tinh thần và kinh tế. Việc thực hiện báo cáo thống kê tình hình bạo lực gia đình, công tác phòng, chống bạo lực gia đình cũng cho chúng ta cái nhìn tổng qua về kết quả thực hiện Luật. Theo đó, từ năm 2009 đến nay, Bộ VHTTDL tiến hành thu thập số liệu về bạo lực gia đình trên phạm vi toàn quốc. Kết quả cho thấy trong giai đoạn 2009 – 2017, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện, tổng hợp báo cáo là 292.268 vụ, tính trung bình mỗi năm tổng hợp được 36.534 vụ bạo lực, nạn nhân là phụ nữ chiếm hơn 70%, trẻ em là 15% và người già khoảng 10% (Bộ VHTTDL, 2016). Thống kê của Bộ VHTTDL cũng phản ánh tình hình bạo lực gia đình ở Việt Nam theo các hình thức bạo lực, theo đối tượng gây ra bạo lực và nạn nhân bị bạo lực. Tuy nhiên, thực trạng bạo lực gia đình khó có thể đánh giá được chính xác bởi chế độ báo cáo về thực trạng bạo lực gia đình chưa được thực hiện nhất quán, đồng bộ. Cách hiểu và quan niệm về bạo lực gia đình còn khác nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước, người dân cũng khiến cho việc thu thập, thống kê về thực trạng bạo lực gia đình gặp nhiều khó khăn.
Nghiên cứu có quy mô quốc gia đầu tiên được công bố năm 2010 do Tổng cục thống kê và Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tiến hành nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam. Đây là nghiên cứu có quy mô cấp quốc gia song chỉ tập trung vào nghiên cứu thực trạng bạo lực đối với phụ nữ (do chồng và các đối tượng khác gây ra). Kết quả cho thấy 32% phụ nữ từng kết hôn đã phải chịu bạo lực thể xác, 10% trải qua bạo lực tình dục, 54% đã phải chịu bạo lực tinh thần và 9% chịu bạo lực kinh tế trong đời (TCTK và UN, 2010). Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng phân tích thái độ và nhận thức về những yếu tố đằng sau bạo lực do chồng gây ra và tác động của bạo lực đối với sức khỏe và thể chất của phụ nữ, trẻ em. Nghiên cứu này cũng chỉ ra, tại thời điểm điều tra (2009), có 63% người trả lời cho biết họ đã từng được nghe, nói, đọc thông tin về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tỷ lệ này cao hơn 3 điểm phần trăm so với Luật Bình đẳng giới được ban hành và có hiệu lực trước đó 1 năm.
Bạo lực gia đình đối với phụ nữ cũng chiếm dung lượng chính trong các nghiên cứu về chủ đề này. Các chuyên khảo của UNFPA trong thời gian gần đây cho thấy 58% phụ nữ kết hôn đã từng bị bạo hành trong đời, 5% phụ nữ có thai bị bạo hành thể chất và 87% phụ nữ bị chồng bạo hành về thể chất hoặc tình dung không tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tư pháp hoặc tìm các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu khác (UNFPA, 2019). Tỷ lệ bạo lực với phụ nữ cao hơn ở khu vực nông thôn và có trình độ văn hóa thấp (TCKK, 2010). Một số nghiên cứu khác lại cho thấy bạo lực gia đình xảy ra với cả những phụ nữ có đóng góp kinh tế gia đình nhiều hơn chồng trong khi phụ nữ đóng góp kinh tế bằng chồng hoặc không đóng góp gì không có nguy cơ cao bị bạo lực gia đình (UNFPA, 2014).
Rượu bia cũng là tác nhân khiến cho bạo lực gia đình thêm trầm trọng. Phụ nữ có chồng uống rượu hàng ngày có nguy cơ bị bạo hành cao gấp bảy lần so với phụ nữ có chồng không bao giờ uống rượu. Nhưng ngay cả khi người chồng chỉ uống rượu 1 lần/tháng thì nguy cơ chịu bạo lực của vợ vẫn cao gấp ba lần (UNFPA, 2014). Vấn đề này xuất phát từ quan niệm về nam tính gắn với việc uống rượu và nóng giận, trong khi nữ tính lại được gắn với sự bị động về tình dục, sự phục tùng đối với nam giới và mát tính để giữ gìn hòa thuận trong gia đình (Gardsbane và các tác giả, 2010). Song báo cáo Từ bạo lực gia đình đến bạo lực giới ở Việt Nam: Mối liên hệ giữa các hình thức bạo lực của Liên hợp quốc cũng thừa nhận nếu chỉ loại bỏ một yếu tố như lạm dụng rượu bia thì chỉ giảm số lần bạo lực mà không thể chất dứt bạo lực (UN, 2014). Báo cáo này cũng nhấn mạnh bạo lực do chồng gây ra có liên quan chặt chẽ tới những trải nghiệm về bạo lực của cả ngườ vợ lẫn người chồng trước hôn nhân của họ.
Các chuyên khảo về bạo lực gia đình ở Việt Nam gần đây đã quan tâm nhiều hơn đế các nhóm đối tượng như người già và trẻ em. Ở Việt Nam, các hình thức bạo lực gia đình với trẻ em thường là xâm hại thể chất, tinh thần, tình dục, sao nhãng và bóc lột vì mục đích thương mại. Tài liệu về Bình đẳng giới và bạo lực gia đình năm 2007 cho thấy 91% trẻ em trong mẫu khảo sát bị cha mẹ đánh khi có lỗi, trong đó vừa đánh vừa mắng là 26% và đánh đau là 65% (Hội LHPN Việt Nam, 2007). Mắng chửi là hành vi bạo lực với trẻ em khá phổ biến ở Việt Nam và tỷ lệ bị mẹ mắng chửi cao hơn so với bố (Trần Tuyết Ánh, 2013) hoặc trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình cũng là một hình thức bạo lực (Trịnh Vân Hương, 2011). Số liệu từ các cuộc Điều tra đánh giá các mục tiêu phụ nữ và trẻ em (MICS) qua các năm 2006, 2011 và 2014 cũng cho thấy bạo lực với trẻ em trong gia đình là rất nhức nhối.
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy 52,2% cha mẹ từng đánh con khi con mắc lỗi và họ cho rằng mắng chửi hay đánh đòn là cách giáo dục con (Phạm Quốc Nhật, 2016). Cũng theo nhiên cứu này, sử dụng bạo lực để giáo dục con cái thường có kết quả tiêu cực và ảnh hưởng lâu dài đến tính cách của trẻ sau này.
Về bạo lực với người cao tuổi trong gia đình, theo Điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam 2011, có gần 3% người cao tuổi bị đánh đập hoặc đe dọa (UNFPA, 2011). Một khảo sát khác cho thấy có tới 41% người cao tuổi xác nhận có hiện tượng bạo lực (bất kỳ hành vi bạo lực nào) đối với bố mẹ già ở địa phương trong 12 tháng tính đến thời điểm khảo sát (Bộ VHTTDL, 2012). Cũng theo khảo sát này, 11,6% người cao tuổi đã từng chịu ít nhất một hành vi bạo lực từ con cái và 7,9% trong 12 tháng trước cuộc khảo sát.
Người gây bạo lực với người già trong gia đình thường là con cháu (Nguyễn Thế Huệ, 2007; Bộ VHTTDL, 2012). Trong đó, con trai hoặc cả con trai và con dâu là đối tượng trực tiếp và thường xuyên gây bạo lực nhất với người cao tuổi. Hình thức bạo lực chủ yếu là hành vi hỗn lão, không tôn trọng hoặc không quan tâm đến người già trong gia đình. Điều tra gia đình Việt Nam 2006 cho biết 2,4% số người cao tuổi thường xuyên buồn phiền, lo lắng bởi con cháu không tôn trọng và quan tâm trong khi có 3,8% vị thành niên nam và 1,9% vị thành niên nữ có hành vi hỗn láo với cha mẹ. Theo khảo sát của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam năm 2006 tại Đắk Lắk, Phú Yên và Quảng Trị, 50,3% hộ gia đình có người cao tuổi đã xảy ra BLGDd, 3,0% người cao tuổi bị con cái đánh đập, 8,0% bị đe dọa, nhốt trong và và 15,0% bị bỏ rơi không chăm sóc. Theo đó, 45,7% người già cho rằng họ thường bị con cái làm mất lòng dẫn tới buồn phiền, 3,9% thường xuyên bị nhiếc móc, 10,7% bị bỏ bê về kinh tế (Nguyễn Thế Huệ, 2007). Nhìn chung, người cao tuổi là nạn nhân của cả ba dạng bạo lực phổ biến, nhưng nhiều nhất là bạo lực tinh thần trong khi bạo lực kinh tế cũng là điều đáng chú ý ở vùng nông thôn, vùng khó khăn về kinh tế (Đặng Thị Hoa cb, 2019).
Về nguyên nhân của bạo lực gia đình, các nghiên cứu chỉ ra rằng mâu thuẫn trong lối sống, quan hệ ứng xử giữa các thành viên gia đình là nguyên nhân chính. Khác biệt trong nhận thức, quan điểm, lối sống giữa các thế hệ, giữa vợ và chồng dẫn tới xung đột, mâu thuẫn và từ đó dẫn đến bạo lực gia đình. Mặt khác, gốc rễ của vấn đề bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực trên cơ sở giới là các khuôn mẫu văn hóa xã hội vốn nặng tính gia trưởng và phân biệt đối xử với phụ nữ ở Việt Nam vẫn còn khá phổ biến. Phụ nữ được xem như người bảo trợ cho những mối quanhệ trong gia đình với trách nhiệm chính là duy trì sự hòa hợp (Vu Song Ha, 2002 và 2009; Ghuman, 2005; Mia và cộng sự, 2004; Rydstorm, 2006). Phụ nữ thường chấp nhận những định kiến xã hội để giữ thể diện, thường nhẫn nhịn chịu đựng, bỏ qua những mong muốn của cá nhân, họ chấp nhận việc đàn ông nổi nóng là tự nhiên về đàn ông là “nóng tính”, và biện hộ rằng bạo lực là để sửa chữa những sai trái trong hành vi của phụ nữ (TCTK, 2010). Mặt khác, bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình ở Việt Nam bắt nguồn từ những tư tưởng và thực hành trọng nam, khinh nữ vốn không dễ thay đổi (UN Viet Nam, 2010; UNFPA, 2016).
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa 12 thông qua năm 2007. Trong quá trình triển khai, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như một số cơ quan có liên quan đã tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Luật. Năm 2009, Bộ VHTTDL đã tiến hành đánh giá nhanh về kết quả 1 năm thi hành Luật PCBLGĐ, tiếp đến năm 2013 đã tổ chức sơ kết 5 năm thi hành Luật, năm 2018 tiến hành tổng kết 10 năm thi hành. Bộ Tư pháp đã đánh giá về việc thực hiện Luật trên khía cạnh tiếp cận về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình.UNFPA phối hợp với Bộ VHTTDL (2016) đã thực hiện báo cáo đánh giá việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Báo cáo này tiến hành phân tích: (1) sự phù hợp của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với các tiêu chuẩn quốc tế và các luật khác của Việt Nam và (2) hiệu quả của việc thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, điểm mạnh của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là đã đưa ra quy định về một các hình thức bạo lực và có tác động tích cực tới nhận thức của các cấp về bạo lực gia đình (UNFPA, 2019). Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cơ bản là tương thích với nhiều chuẩn mực về quyền con người quốc tế và khu vực mặc dù không phải đã tương thích với tất cả các chuẩn mực quốc tế (UNFPA, 2016). Bên cạnh đó, theo quan điểm của UNFPA, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiệnhành cần quy định rõ các hành vi bạo lực gia đình, các biện pháp bảo vệ nạn nhân và khuyến nghị không sử dụng hòa giải gia đình như một giải pháp chủ chốt của Luật Phòng, chống bạolực gia đình (UNFPA, 2019). Tuy nhiên, điểm yếu của nghiên cứu này là không sử dụng phương pháp khảo sát định lượng mà chỉ thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu, phân tích tài liệu thứ cấp và tổng quan. Nói cách khác, nghiên cứu chưa tiến hành khảo sát, đánh giá quá trình thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên quy mô quốc gia. Nói cách khác, các phân tích trong báo cáo này chưa có tính đại diện bởi các cuộc phỏng vấn chỉ thực hiện ở tỉnh Hải Dương. Ngoài ra, CSAGA cũng tiến hành đánh giá việc thực hiện Luật thông qua các dự án can thiệp mà tổ chức này thực hiện tại cộng đồng.
Từ tổng quan tình hình nghiên cứu nói trên, có thể rút ra một số nhận xét sau đây nhằm định hướng cho nội dung nghiên cứu của đề tài:
– Các nghiên cứu về thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam hầu hết chưa đánh giá trực diện việc thực hiện Luật mà thường đo qua các chiều cạnh của vấn đề bạo lực. Nghiên cứu có quy mô quốc gia lại chủ yếu tập trung vào thực trạng bạo lực đối với phụ nữ, chưa quan tâm đến các nhóm đối tượng khác. Thực trạng bạo lực gia đình khó có thể đánh giá được chính xác bởi các hiểu và quan niệm về bạo lực gia đình còn chưa thống nhất và nguyên nhân chính là do các khái niệm trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay chưa rõ, còn thiếu thống nhất. Mâu thuẫn trong lối sống, quan hệ ứng xử giữa các thành viên, thế hệ trong gia đình là nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực gia đình. Nhiều nghiên cứu cũng nhận định các khuôn mẫu văn hoá xã hội vốn nặng tính gia trưởng và phân biệt đối xử với phụ nữ ở Việt Nam là gốc rễ của vấn đề BLGD.
– Nghiên cứu về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình Việt Nam còn thiếu và nhiều hạn chế về phương pháp, quy mô khảo sát. Các nghiên cứu về bạo lực gia đình ở Việt Nam tuy có đề cập đến Luật PCBLGĐ song không trực tiếp đánh giá quá trình thực thi luật trong thực tiễn. Các phân tích liên quan đến Luật PCBLGĐ được thực hiện chủ yếu bằng cách tiếp cận phân tích văn bản, thiếu các bằng chứng thực nghiệm hoặc chỉ thực hiện khảo sát ở quy mô nhỏ, sử dụng phương pháp định tính. Do đó, cho đến nay chưa có một nghiên cứu ở quy mô quốc gia về thực trạng thực thi luật trong đời sống.
– Nghiên cứu về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản pháp luật liên quan được tiến hành thường xuyên với quy mô lớn ở nhiều nước trên thế giới. Nghiên cứu tìm hiểu mức độ phổ biến của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trong đời sống, đánh giá tính khả thi, hợp lý của các quy định cụ thể trong luật và từ đó khuyến nghị các phương án sửa đổi, bổ sung. Đây cũng là xu thế phổ biến về hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng khoa học trên thế giới hiện nay.