Thời gian gần đây có nhiều vụ việc bạo lực trẻ em trong gia đình rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong đó người gây bạo lực lại chính là “bố, mẹ, mẹ kế, cha dượng” của trẻ. Đáng lên án là những hành vi bạo lực này được thực hiện dưới sự thờ ơ của cha, mẹ, ông bà và thậm chí là sự tiếp tay, dung túng của người cha (vụ việc bé gái trong thành phố Hồ Chí Minh, vụ việc (bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội). Gần đây nhất tại Quảng Nam có vụ việc vì ghen tuông, người cha đã nhẫn tâm ném con gái 5 tuổi của mình xuống sông khiến bé thiệt mạng. Những vụ việc này đặt ra nhiều vấn đề với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức bảo vệ trẻ em. Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó đặc biệt tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi bạo lực gia đình với trẻ em. Đồng thời Bộ đang xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025, bên cạnh những hoạt động về truyền thông, tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình thì sẽ tập trung vào việc xây dựng, hướng dẫn quy trình tiếp nhận, xử lý vụ việc bạo lực gia đình; quy trình bảo vệ an toàn, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, cung cấp và tư vấn thông tin về quyền, nghĩa vụ cho người bị bạo lực phân theo nhóm đối tượng, trong đó có đối tượng là trẻ em.
Trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, tham vấn ý kiến chuyên gia để đưa các quy định về phòng, chống bạo lực gia đình với trẻ em trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất quyền và lợi ích của trẻ em.