Các thủ tục hành chính liên quan đến xác định và báo cáo vụ việc BLGĐ cũng cần được đơn giản hóa và tăng tính khả thi. Người bị bạo lực cũng cần được cung cấp đầy đủ các thông tin về quyền và nghĩa vụ của bản thân. Một số quốc gia cũng có quy định xử lý hành vi bạo lực tái diễn như Tòa án sẽ truy tố thủ phạm theo thủ tục tố tụng hình sự, kể cả trong trường hợp không có yêu cầu của nạn nhân.
Việt nam cũng có thể tham khảo quy định về cấm tiếp xúc của một số nước. Theo đó, người có hành vi BLGĐ là người phải ra khỏi nhà trong trường hợp người bị bạo lực gia đình lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ.
Nhiều quốc gia cũng trao cho cảnh sát quyền được ban hành lệnh an toàn nếu thấy cần thiết để bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Trong trường hợp vì sự an toàn cho người bị bạo lực gia đình, cảnh sát có thể ban hành lệnh an toàn mà không cần sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình. Ví dụ, cảnh sát ở New Zealand có thể tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình không quá 2 giờ để phục vụ xác minh, điều tra sự việc nếu người có hành vi bạo lực không tuân thủ thì có thể bị cảnh sát bắt mà không cần đến quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó pháp luật của Hàn Quốc quy định sau khi cơ quan có thẩm quyền nhận được tin báo, tố giác về hành vi bạo lực, cán bộ điều tra sẽ được cử ngay lập tức đến hiện trường vụ việc bạo lực gia đình. Trong quá trình điều tra, xác minh vụ việc cán bộ điều tra có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết, bao gồm tách người bị bạo lực gia đình, người cung cấp tin báo, tố giác, nhân chứng, v.v. khỏi đối tượng có hành vi bạo lực vì mục đích điều tra để họ có thể thoải mái cung cấp lời khai. Luật của Hàn Quốc cũng quy định không ai được phép từ chối hợp tác với cán bộ điều tra được phái cử đến hiện trường vụ bạo lực gia đình hoặc can thiệp vào các hoạt động của cán bộ điều tra này mà không có lý do chính đáng.
Sỹ quan cảnh sát ở Anh đưa ra thông báo nhằm cảnh báo người có hành vi BLGĐ để làm cơ sở cho xử lý nếu tái phạm hành vi bạo lực. Người nhận được thông báo của cảnh sát nếu tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình thì sẽ bị bắt giữ mà không cần có lệnh bắt.
Ở Malaysia, nhân viên phúc lợi xã hội có thể ban hành lệnh bảo vệ khẩn cấp và gửi một bản tới cảnh sát quận, huyện nơi người có hành vi BLGĐ cư trú. Cảnh sát có trách nhiệm thi hành ngay quyết định này.
Do đó Việt Nam cũng cần cân nhắc việc sửa đổi Luật theo hướng để người bị BLGĐ có thể được quyền quyết định bảo vệ ngay cả khi hành vi của người vi phạm chưa đến mức là hành vi phạm tội và các quyết định đó có thể được ban hành mà không cần chứng cứ thương tích. Việc quy định rõ vai trò của công an viên trong việc xử lý BLGĐ là rất cần thiết, đặc biệt là các tình huống ngăn chặn vụ việc BLGĐ khẩn cấp.
Ngoài ra, nhiều quốc gia xem BLGĐ là một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc nâng cao bình đẳng giới. Thụy Điển đã phát triển mạng lưới hỗ trợ người bị BLGĐ thông qua địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, thực hiện giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình hay sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng, hoạt động thể thao để tuyên truyền vận động cho phòng, chống bạo lực gia đình. Một số ý kiến cho rằng Luật PCBLGĐ hiện hành của Việt Nam còn thiếu vắng “lăng kính giới” và vấn đề này có thể tác động đến quy trình điều phối và thực hiện Luật cũng như làm suy giảm tính kết nối giữa luật này với quá trình điều phối và các cơ chế giải quyết bất bình đẳng giới mang tính phổ quát hơn ở Việt Nam hiện nay (Trích từ nhóm chuyên gia của LHQ tại Việt Nam, tài liệu “Từ bạo lực gia đình đến bạo lực trên cơ sở giới” năm 2014). Theo đó, việc diễn giải chưa rõ ràng các vấn đề liên quan đến bạo lực giới trong Luật hiện hành đã dẫn đến việc Luật bỏ qua nhiều hình thực bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay, như bạo lực tình dục không giao hợp, hãm hiếp trong hôn nhân, bạo lực qua mạng internet…
Khi so sánh với Luật của một số quốc gia trên thế giới, có thể thấy các biện pháp xử lý hành vi BLGĐ trong Luật PCBLGĐ hiện hành của Việt Nam chưa đủ tính nghiêm khắc, răn đen, giáo dục và phòng ngừa bạo lực tái diễn. Các hành vi BLGĐ chủ yếu xử lý hành chính hoặc các biện pháp khác, việc xử lý hình sự còn nhiều hạn chế. Trong các vụ việc BLGĐ, phụ nữ (thường là nạn nhân) khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chữa trị y tế do chồng cấm không cho ra khỏi nhà hoặc khoảng cách về địa lý, khó khăn về phương tiện đi lại. Do đó, lấy xác nhận thương tật của bác sỹ để dùng cho khởi tố hình sự là điều khó thực hiện được. Ngay cả việc xử lý hành chính các vụ việc BLGĐ cũng không hiệu quả và thiếu khả thi. Bên cạnh đó các quy định nhằm hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình cả khẩn cấp và dài hạn đều chưa rõ ràng, khá chung chung và tính khả thi không cao.
Luật của các quốc gia trên thế giới cũng cho thấy cần xác định rõ thế nào là gia đình và quan hệ gia đình, làm cơ sở để xác định hành vi BLGĐ cũng như phạm vi của Luật. Các giải pháp PCBLGĐ phải linh hoạt, đa chiều, chứ không thể là một giải pháp chung cho các đối tượng khác nhau, các tổ chức khác nhau bởi họ có những nhu cầu, nguyện vọng và tiếng nói đặc thù. Đối với giáo dục, truyền thông về BLGĐ thì vấn đề này cần được nghiên cứu để đưa nhiều hơn vào các chương trình giáo dục ở các cấp. Quyền của người bị bạo lực cần được quy định rõ trong Luật cũng như có các quy định về vai trò của từng cơ quan và một cơ chế phối hợp rõ ràng cho việc phân công và phối hợp giữa các cơ quan đó.