Các nhà xã hội học cho rằng, theo nghĩa rộng, “Gia đình là một thiết chế xã hội, nghĩa là một đơn vị cơ sở được mọi người công nhận để thực hiện những chức năng xã hội nhất định mà trước hết là sự tái sinh các đặc trưng của loài người”; theo nghĩa hẹp, gia đình là “một nhóm gồm một cặp vợ chồng chung sống với lớp kế cận trực tiếp của họ” (G.Endruweit và G.Trommsdorff 2002). Không trực tiếp định nghĩa cũng như giải thích khái niệm, song nội hàm của khái niệm gia đình đã được Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ trong Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21 tháng 02 năm 2005, theo đó gia đình được coi là bộ phận cấu thành xã hội, thực hiện chức năng sinh sản duy trì nòi giống, giáo dục gia đình, an sinh xã hội, xây dựng, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp; xây dựng và bảo vệ tổ quốc. “Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam 2005).
Khái niệm gia đình được sử dụng thống nhất trong văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 định nghĩa, “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này” (Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2014).