Tổng kết, đánh giá từ các địa phương báo cáo cho thấy, có 89% người có hành vi bạo lực được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi. Như vậy, so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2020 phải có 95% người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng, ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi thì kết quả này vẫn chưa đạt chỉ tiêu được giao. Xét theo từng tỉnh, thành thì cả nước chỉ có 29/63 tỉnh, thành đạt trên 95% số người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi.
Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có 9.024 xã/phường/thị trấn có Mô hình PCBLGĐ, trên tổng số 12.055 xã/phường/thị trấn đạt khoảng 74.85%. Trong đó, số xã/phường/thị trấn triển khai Mô hình theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL là 6.616 (chiếm 73,31% tổng số Mô hình về PCBLGĐ đang triển khai); Như vậy, so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (đến năm 2020 đạt trên 90% (miền núi khó khăn, vùng sâu, vùng xa đạt trên 70%) số xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình) còn một khoảng cách khá xa để đạt được mục tiêu này.
Qua tổng kết báo cáo, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 đã được triển khai đồng bộ nhưng kết quả đạt được lại không đồng đều giữa các tính, thành. Đến năm 2020, vẫn còn 4/8 mục tiêu chưa đạt, nguyên nhân của vấn đề trên ngoài lý do năm 2019 và 2020 tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, biến động về nhân sự, kinh phí chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến các mục tiêu nói trên không đạt. Bên cạnh đó, một số địa phương, người đứng đầu chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình, coi việc phòng, chống bạo lực gia đình chưa phải là vấn đề cấp bách.