Việt Nam đã cam kết thực hiện các công ước, quy định quốc tế có liên quan đến hỗ trợ kiến thức, kỹ năng hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) cho nam, nữ thanh niên. Nhằm thực hiện những cam kết này, Việt Nam đã cụ thể hóa bằng những văn bản quy phạm pháp luật, quy định cụ thể:
Về vấn đề hỗ trợ nam, nữ thanh niên kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống BLGĐ; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới đã nhấn mạnh cần “đẩy mạnh, đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; các rủi ro đối với gia đình, giúp người dân chủ động phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình”. Các Luật liên quan như Luật Phòng, chống BLGĐ (2007); Luật Bình đẳng giới (2006); Luật thanh niên (2020)…cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho nam, nữ thanh niên. Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng có đề cập: Chỉ tiêu 2: 90% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống BLGĐ. Ngoài ra, các văn bản, chính sách khác như Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020 theo Quyết định số 1028/QĐ – TTg ngày 8/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 theo Quyết định số 2013/ QĐ – TTg ngày 14/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra các chỉ tiêu liên quan đến tập huấn, giáo dục và trang bị kiến thức, kỹ năng cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn.
Trong lĩnh vực dân số, chăm sóc sức khỏe, Chính phủ Việt Nam cũng cam kết giảm MCBGTKS trong dân số vào chương trình nghị sự hàng đầu của các chính phủ. Nhằm thúc đẩy hơn nữa sự thay đổi hướng tới những quốc gia hiện đại và tiến bộ, để mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có cơ hội thành công trong xã hội như nam giới và trẻ em trai đồng thời các trẻ em gái được coi trọng và có giá trị như trẻ em trai. Việt Nam cũng tái khẳng định cam kết với các cơ quan Liên hợp quốc các tổ chức quốc tế và quốc gia, dân sự xã hội và cộng đồng để duy trì các quyền của trẻ em gái và phụ nữ và để giải quyết các biểu hiện của phân biệt đối xử về giới bao gồm vấn đề MCBGTKS, bởi hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia còn tồn tại vấn đề BLGĐ cùng với nhiều quốc gia khác.
Ngoài ra, Việt Nam ban hành một số văn bản như Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10 /2017 của Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành Trung ương khoá XII về công tác Bảo vệ, Chăm sóc và Nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10 /2017 của Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành Trung ương khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia dân số – SKSS giai đoạn 2003-2010, 2010-2020 và tầm nhìn tới 2030, chiến lược hành động quốc gia về sức khỏe vị thành niên 2010-2020, Chiến lược về sức khỏe phụ nữ, trẻ em và vị thành niên năm 2016, kế hoạch hành động quốc gia chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục cho vị thành niên giai đoạn 2020-2025…và các văn bản khác cũng đã đặt ra vấn đề cần trang bị kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe cho nam, nữ thanh niên. Đặc biệt, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách Dân số. Chính sách Dân số chuyển đối từ giảm số lượng các năm trước đây sang tăng cường chất lượng dân số, bao gồm giảm thiểu MCBGTKS. Các chính sách bao gồm cấm chẩn đoán giới tính trước khi sinh. Chiến lược Dân số giai đoạn 2021-2025 định hướng tới 2030 đặt mục tiêu 3 “đưa TSGTKS về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. Tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 20%, tỉ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 10%, tỉ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%”.
Ngoài ra, các văn bản của Chính phủ và các Bộ ngành đều nhấn mạnh việc hỗ trợ kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, vấn đề giới, bình đẳng giới, SKSS là những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của thanh thiếu niên. Đầu tư cho hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho thanh niên là đầu tư cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Chăm sóc sức khỏe, đảm bảo bình đẳng giới, SKSS, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho nam, nữ thanh niên luôn là ưu tiên cùng với việc giáo dục, phát triển nghề nghiệp, tạo cơ hội việc làm, xóa bỏ các hình thức đối xử bất công với phụ nữ, đặc biệt là trẻ em gái…