Trong thời gian qua, đặc biệt là trong 8 tháng đầu năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động nâng cao đời sống tinh thần, hướng dẫn rèn luyện thể dục, thể thao tại nhà nhằm hỗ trợ các gia đình giải tỏa áp lực căng thẳng do thực hiện giãn cách xã hội. Cụ thể là:
Ban hành Kế hoạch số 2754/KH-BVHTTDL ngày 03 tháng 8 năm 2021 về việc tổ chức các Chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch Covid-19. Kế hoạch này nhằm phát huy tối đa vai trò của đội ngũ nghệ sĩ trong sáng tác, tuyên truyền, cổ động nhằm tạo tâm lý tích cực, giải tỏa tinh thần, cổ vũ tình nhân ái, giúp đỡ, hỗ trợ của người dân, cộng đồng và toàn xã hội trong tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tổ chức các chương trình nghệ thuật online “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” với chủ đề “Cháy lên” tại 5 điểm cầu. Chương trình được livestream trên kênh YouTube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam và trên nền tảng số các cơ quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thu hút hơn 200.000 khán giả đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ, xúc cảm đẹp đẽ và lan tỏa trong cộng đồng những thông điệp sâu sắc, tinh thần lạc quan để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Tổ chức Chương trình nghệ thuật “Ở nhà cùng vui” diễn ra tại 6 điểm cầu: Nhà hát Ca, múa nhạc Việt Nam, Nhà hát tuổi trẻ, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng), Nhà riêng của nghệ sĩ Xuân Bắc và đầu cầu TP. HCM tại nhà riêng nghệ sĩ Trương Ngọc Ánh tiếp tục được tổ chức và nhận được sự hưởng ứng, tương tác mạnh mẽ của người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị Nghệ thuật địa phương tiếp tục xây dựng các chương trình nghệ thuật online để phục vụ nhân dân địa phương; hướng dẫn gia đình đọc sách; tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền các mô hình tập luyện thể dục thể thao tại nhà với chủ đề “Cả nhà tập ngay – đánh bay Covid”….
Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến tiếp tục tổ chức 08 chương trình online và 24 chương trình nghệ thuật với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ ở nhiều loại hình nghệ thuật tại các nhà hát nghệ thuật mang tầm quốc gia và phát sóng trên các kênh truyền hình VTV, truyền hình Nhân dân, Truyền hình Hải Phòng, Kênh truyền hình VOV để phục vụ nhân dân cả nước; xây dựng các phóng sự tuyên truyền trên kênh truyền hình với chủ đề “Lan tỏa nét đẹp văn hóa ứng xử trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, “Những hình ảnh đẹp của lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19” và “Âm nhạc lan tỏa thông điệp và cổ vũ tuyến đầu chống dịch”…
Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình, tôn vinh giá trị của gia đình nhân Tháng hành động quốc gia PCBLGĐ và kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam với chủ đề “gia đình bình an-xã hội hạnh phúc”. Chủ đề đã đem lại hiệu ứng tích cực trong định hướng xây dựng gia đình, PCBLGĐ.
Có thể nói, kể từ khi Covid-19 bùng phát (tháng 12 năm 2019) đến nay đã tác động tiêu cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Covid-19 là tác nhân trực tiếp làm gia tăng các vụ BLGĐ ở hầu hết các quốc gia trong đó có Việt Nam. Mỗi quốc gia có những giải pháp ứng phó riêng nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Covid-19 trong đó có BLGĐ. Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước bên cạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, các giải pháp về an sinh xã hội đã được thực hiện trên tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã nỗ lực đảm bảo cuộc sống người dân như triển khai các gói hỗ trợ thất nghiệp, hỗ trợ ảnh hưởng của Covid-19, giảm giá điện nước sinh hoạt, cung cấp lương thực, thực phẩm, thực hiện điều trị miễn phí cho người bị Covid-19 nhưng hiện nay vẫn còn nhiều gia đình khó khăn. Các nghiên cứu trong năm 2020-2021 cho thấy, tình trạng BLGĐ được ghi nhận tăng ở các hình thức, người bị BLGĐ hiện chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Vì vậy, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ các gia đình vượt qua khủng hoảng cần phải tăng cường công tác PCBLGĐ. Các chính sách của Nhà nước cũng cần phải có những giải pháp chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng nhằm đảm bảo ổn định xã hội.