Các công ước, chính sách quốc tế liên quan đến gia đình, vai trò việc hỗ trợ thanh niên xây dựng gia đình hạnh phúc như: Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế của Liên Hợp Quốc (1948) khẳng định quyền con người, nhân phẩm con người được luật pháp bảo vệ và tôn trọng…Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, phải được xã hội và quốc gia bảo vệ; Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR) do Liên Hợp Quốc ban hành năm 1966, tại Điều 23 khẳng định rằng, gia đình là một tế bào cơ bản và tự nhiên của xã hội, cần phải được nhà nước và xã hội bảo hộ. Quyền kết hôn và lập gia đình của nam và nữ đến tuổi kết hôn phải được thừa nhận. Không được tổ chức việc kết hôn nếu không có sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cặp vợ chồng tương lai; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) do Liên Hợp Quốc ban hành năm 1996, tại Điều 10 nhấn mạnh, các quốc gia cần dành sự giúp đỡ và bảo hộ tới mức tối đa có thể được cho gia đình – tế bào cơ bản và tự nhiên của xã hội, nhất là đối với việc tạo lập gia đình và trong khi gia đình chịu trách nhiệm chăm sóc và giáo dục trẻ em đang sống lệ thuộc. Việc kết hôn phải được cặp vợ chồng tương lai chấp thuận tự do… Như vậy, các công ước đã nêu rất rõ việc bảo vệ và thúc đẩy gia đình phát triển đóng vai trò rất quan trọng, mà trong đó, thanh niên chính là nhóm đối tượng đích cần được tác động, hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Liên hiệp quốc đã đề cập đến các quy định về trách nhiệm của các nước tham gia đảm bảo đầy đủ các quyền, các biện pháp thích hợp liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe cho thanh niên, cụ thể: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), tại Điều 5 quy định: Các nước tham gia Công ước phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp nhằm: (b) Bảo đảm giáo dục về gia đình phải bao gồm sự hiểu biết đầy đủ về vai trò làm mẹ với tư cách là chức năng xã hội và thừa nhận trách nhiệm chung của cả nam giới và nữ giới trong việc nuôi dạy và phát triển con cái, lợi ích của con cái phải được nhận thức rõ là ưu tiên hàng đầu trong mọi trường hợp. Cũng tại công ước CEDAW, tại Điều 10 quy định: Các quốc gia phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để xoá bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ nhằm đảm bảo cho phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong lĩnh vực giáo dục và đặc biệt, trên cơ sở bình đẳng nam nữ, đảm bảo về các nội dung, trong đó mục (h) có đề cập: “Tiếp cận tới thông tin giáo dục cụ thể giúp bảo đảm sức khoẻ và hạnh phúc gia đình, kể cả thông tin tư vấn về kế hoạch hoá gia đình”.
Chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ, trẻ em và vị thành niên năm 2016, để hướng tới thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030, Liên hợp quốc cũng đã nhấn mạnh việc chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên thông qua tăng cường đầu tư cho chăm sóc sức khỏe, tăng độ bao phủ phổ cập (UHC), phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp chính quyền, sự tham gia của các cá nhân và cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, tại chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994 tại Cairo, khuyến nghị xóa bỏ “tất cả các hình thức phân biệt đối xử với trẻ em gái và những nguyên nhân gốc rễ của tâm lý chuộng con trai mà dẫn đến những tập quán tai hại, phi đạo lý về loại bỏ bé gái mới sinh và lựa chọn giới tính trước sinh” cũng được chính phủ Việt Nam cam kết. Sự đồng thuận trên thúc giục các chính phủ “có biện pháp cần thiết để ngăn chặn nạn loại bỏ trẻ sơ sinh, lựa chọn giới tính trước sinh …” và tuyên bố “lãnh đạo ở mọi cấp độ xã hội phải kêu gọi, có hành động mạnh mẽ đối với những hình thức phân biệt giới trong gia đình do tư tưởng ưa chuộng con trai …”