Ngày 16/10/2018, Bộ Tư pháp xây dựng báo cáo số 245/BC-BTP về việc tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Theo nội dung Báo cáo Kể từ năm 2008 là năm đầu tiên Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực, để tổ chức quán triệt đầy đủ, kịp thời nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, công chức trong đơn vị; tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung, quy định của Luật và các văn bản khác có liên quan, Bộ Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương phổ biến các văn bản pháp luật mới cụ thể, trong đó có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Hằng năm, trong các Chương trình, Kế hoạch công tác, Công văn hướng dẫn nghiệp vụ, Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiến pháp, các văn bản pháp luật mới ban hành, các quy định có liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, trong đó bao gồm cả pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình…) vào nội dung trọng tâm cần tuyên truyền, phổ biến hằng năm.
Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Từ năm 2013, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam xây dựng, triển khai Chương trình phối hợp về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật (đến nay là Chương trình số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 5/1/2018). Đây là chương trình nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho phụ nữ, trong đó có pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, từng bước nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Qua thực tiễn cho thấy, nạn nhân chủ yếu của bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, do vậy, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức nói riêng, của các tầng lớp nhân dân nói chung về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng chính là giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái, bảo đảm quyền bình đẳng của họ trong đời sống xã hội và trong môi trường gia đình. Từ nhận thức đó, hàng năm, Bộ Tư pháp đều lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vào nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện. Với nhiều hình thức tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện rất phong phú, đa dạng như: đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; Báo Pháp luật Việt Nam; tổ chức các cuộc tập huấn, tọa đàm, hội thảo; tổ chức các cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật”, thi “Hoà giải viên giỏi toàn quốc”; thông qua các hoạt động tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình…
Một số các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian tới:
Các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm hơn nữa tới công tác phòng, chống bạo lực gia đình và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình. Tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ sở hỗ trợ, trợ giúp, bảo vệ nạn nhân và các cấp chính quyền cơ sở cũng như các đoàn thể xã hội, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, tham gia phòng, chống bạo lực giới và bạo lực gia đình.
Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan liên quan (Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông…) trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Tư pháp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là trong chỉ đạo, hướng dẫn; biên soạn tài liệu phổ biến chuyên sâu; tổ chức tập huấn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.
Tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; chú trọng áp dụng công nghệ thông tin, tổ chức đối thoại, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; phát huy vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác giám sát việc thi hành luật, pháp lệnh; vận động thành viên, hội viên của tổ chức mình tuân thủ, chấp hành pháp luật tại mỗi địa bàn.