Ngày 24/9/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng báo cáo số 7447/BC-BNN-TCCB về việc tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Theo báo cáo trong 10 năm qua, kể từ khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được ban hành. Bộ đã tiến hành triển khai các hoạt động truyền thông tại Bộ, đồng thời có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, các tổng công ty, công ty thuộc Bộ tiến hành các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (sau đây gọi tắt là người lao động) trong ngành nông nghiệp. Quá trình triển khai các văn bản về phòng, chống bạo lực gia đình luôn được kịp thời và nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị và người lao động.
Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình: Các hoạt động truyền thông tại Bộ khá đa dạng, linh hoạt như: Thông qua các hội thảo, hội thi do Bộ tổ chức đã lồng ghép các nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình; Các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động tiến hành tọa đàm chuyên đề, các buổi họp tại đơn vị đã tuyên truyền pháp luật về các nội dung liên quan về phòng, chống bạo lực gia đình với mục tiêu nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình, xã hội, và các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình; Các nội dung được truyền thông chủ yếu như tuyên truyền, phổ biến pháp luật cụ thể như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12; Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản liên quan; Trong tháng 6 năm 2018 Bộ đã tiến hành Hội thảo và Hội thi “Tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới và nâng cao nhận thức về lồng ghép giới trong ngành nông nghiệp” với 06 tham luận và 28 đơn vị tham gia; Mục tiêu của Hội thảo và hội thi nhằm nâng cao nhận thức về lồng ghép giới đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành nông nghiệp, Hội thi đã sử dụng hình thức truyền thông qua sân khấu và thi tìm hiểu kiến thức đã truyền tải được các thông điệp về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình đến người lao động.
Tình hình thực hiện chính sách của Nhà nước đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình: Bộ đã thông qua các tổ chức như Công đoàn Bộ, Đoàn Thanh niên Bộ, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ…để triển khai truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; người tham gia hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình tại Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đều làm kiêm nhiệm, đa số những người này không nhận được hỗ trợ kinh phí do thiếu nguồn. Các đối tượng này được mời tham gia các lớp tập huấn do Bộ tổ chức, và để động viên, khuyến khích và kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. ; Trong những năm qua, để thực hiện tốt công tác truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, các đơn vị thuộc Bộ đã tiến hành lồng ghép các vấn đề có liên quan vào các hội thảo, hội nghị, các chương trình/dự án phát triển với các đối tác nước ngoài của ngành, bên cạnh nguồn kinh phí từ Công đoàn các cấp thì còn có sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng như kinh phí từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.
Tình hình kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với người lao động: Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với người lao động thuộc Bộ được thực hiện hàng năm, và kể từ khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực thi hành năm 2008 cho đến nay, Bộ chưa phát hiện vụ việc bạo lực nào trong cán bộ, công nhân viên chức.