Ngày 24/9/2018, Bộ Công thương xây dựng báo cáo số 75/BC-BCT về việc tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình
Theo báo cáo trong 10 năm qua, ngay từ khi Luật Phòng, chống lực gia đình có hiệu lực, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cấp thực hiện các văn bản chỉ đạo Đảng, Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật hôn nhân và gia đình…
Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được quan tâm thực hiện dưới nhiều hình thức. Bộ Công Thương đã phối hợp với Công đoàn Công Thương Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn các cuộc hội thảo chuyên đề cho trên 100.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người quản lý, người lao động, người làm công tác tư vấn liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó đã quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức của người lao động trong toàn ngành về công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Từ đó đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng, gia đình và cá nhân, từng bước hạn chế xung đột, bạo lực gia đình, chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần người lao động không ngừng được cải thiện. Tại các đơn vị thuộc Bộ, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thường xuyên, nâng cao nhận thức của người lao động về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được đẩy mạnh và lồng ghép với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Các nội dung, hình thức tuyên truyền giáo dục phù hợp với đặc điểm tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của từng đơn vị. Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chế độ, chính sách đối với lao động nữ, chú trọng các nội dung Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống, bạo lực gia đình, vấn đề hôn nhân gia đình, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ…Phương thức tuyên truyền đa dạng, đa hình thức, nội dung phong phú như phát tờ rơi, thông tin trên trang mạng nội bộ, nghe nói chuyện thời sự, nói chuyện chuyên đề; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hội nghị, hội thảo, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, hội diễn, tuyên tuyền thông qua các cuộc họp, sinh hoạt đoàn thể thường xuyên… Nội dung tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình được cụ thể hóa, lồng ghép vào các hoạt động của phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” và cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đồng thời gắn nội dung phòng chống bạo lực gia đình với việc đăng ký bình xét danh hiệu “gia đình văn hóa”.
Đề xuất giải pháp và kiến nghị trong thời gian tới cần làm rõ một số khái niệm “bạo lực gia đình”. Trong xã hội, quan niệm về bạo lực gia đình của người dân còn khá mơ hồ và dường như chỉ có hành vi bạo lực về mặt thể chất là được chú ý tới. Khi trong tiềm thức của mỗi người dân còn cho rằng một cái tát, một câu chửi mắng nhau lúc nóng giận là bình thường, con hư thì bố mẹ phải đánh để giáo dục, hay việc đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng là nghĩa vụ của người vợ….thì chuyện ấy đương nhiên sẽ không bị coi là bạo lực gia đình, là vi phạm pháp luật. Vì vậy, muốn định hướng hành vi trước tiên cần phải định hướng về nhận thức, phải quy định một cách rõ ràng và cụ thể những hành vi mà pháp luật quy định là bạo lực gia đình và cần phải phòng chống.
Cần hoàn thiện một số quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để có chế tài đủ mạnh để hạn chế bạo lực như: cách ly, cấm tiếp xúc; tước quyền giám hộ, bảo hộ …
Cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội. Có thể thấy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong phòng, chống bạo lực gia đình còn rất mờ nhạt, mà nguyên nhân chính là do các cơ quan này chưa thật sự ý thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác này, cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ đã được pháp luật quy định cho họ.
Cần phải quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn trách nhiệm của cơ quan tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình; hành vi vi phạm cần phải được xử lý; cần lên án những sự thờ ơ, thiếu quan tâm, vô trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong xã hội đối với các hành vi bạo lực gia đình.