Một số vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em do người thân gây ra trong thời gian gần đây là lời nhắc nhở, cảnh báo những người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ cần đặc biệt quan tâm đến trẻ. Việc này bắt đầu từ gia đình, thông qua những hành động cụ thể, thường xuyên, giúp trẻ lớn lên trong môi trường an toàn, yêu thương.
Những ngày gần đây, dư luận bàng hoàng, xót xa, phẫn nộ trước vụ việc bé gái N.T.V.A ở phường 22, quận Bình Thạnh (thành phố Hồ Chí Minh) bị chính người sống cùng nhà đánh đập, hành hạ dẫn đến tử vong. Trước đó, vào đầu tháng 12-2021, một bé gái 3 tuổi ở huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) cũng qua đời dưới tay bố dượng sau những trận đòn roi; hay vào tháng 9-2021, cháu L.H.A ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) tử vong do hành vi bạo hành của bố đẻ…
Dẫn chứng nêu trên là những vụ việc điển hình về hành vi bạo hành trẻ em từ chính người thân, trong môi trường gia đình. Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em, trong đó hơn 90% số vụ việc xảy ra do người thân, quen với nạn nhân gây ra… Những vụ việc được đưa ra “ánh sáng” thường có hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Còn rất nhiều vụ việc có biểu hiện xâm hại, bạo hành trẻ em chưa được phát hiện, xử lý.
Phân tích nguyên nhân, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng chỉ rõ, một bộ phận không nhỏ những người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn quan niệm “yêu cho roi, cho vọt”, nên thường có hành vi quát mắng, dùng roi để dạy dỗ khi trẻ không nghe lời. Còn người xung quanh có tâm lý “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, nên không để ý hoặc e ngại lên tiếng khi chứng kiến những điều không hay, không phải… Ở góc độ nghiên cứu, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) Trần Thành Nam cho rằng, những người có nguy cơ bạo lực, bạo hành trẻ em chưa được nhận diện rõ ràng, nên chưa có giải pháp ngăn chặn từ gốc.
Với vai trò phụ huynh, chị Trần Thị Hiên, tổ dân phố 10, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Việc trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ em hiện mới chỉ tập trung ở nội dung đề phòng người lạ, ít có hướng dẫn trẻ em tự lên tiếng khi bị chính người thân bạo lực, bạo hành”.