Theo thống kê của một số tổ chức tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành, tình trạng bạo lực gia đình trong đại dịch COVID-19 có xu hướng tăng lên và nghiêm trọng hơn. Người bị bạo lực phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Những ngày gần đây, dư luận xã hội đang xôn xao vì trường hợp một em bé 6 tuổi tử vong nghi do bị bạo hành. Theo báo cáo của UBND Quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), trong giờ học trực tuyến tối ngày 16/9, học sinh L.H.A, lớp 1A16, Trường Tiểu học Xuân Đỉnh vắng mặt, giáo viên liên hệ gia đình được báo tin cháu đã tử vong.
Theo báo cáo trên, khoảng 11 giờ ngày 16/9, học sinh này có bị bố đánh. Đến chiều, H.A vẫn ăn được cháo và uống thuốc. Sau đó, H.A bị nôn nhiều, được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, phía bệnh viện xác nhận, nạn nhân đã tử vong trước khi đưa vào viện và trên người có dấu hiệu bị bạo hành nên đã báo cơ quan công an.
Bạo lực gia đình tăng lên và nghiêm trọng hơn trong đại dịch COVID-19 là thông tin được nhiều tổ chức hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực xác nhận. Tư vấn viên Tuyết Anh (CSAGA – Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên) cho biết: Từ đầu 2020 đến hết tháng 7/2021 CSAGA đã hỗ trợ 3.487 cuộc tư vấn qua điện thoại và chat, trong đó số cuộc gọi tập trung nhiều nhất vào nhóm những phụ nữ bị bạo lực gia đình, nhóm này đều đặn ở các vùng nông thôn, thành thị.
Địa chỉ “Ngôi Nhà Bình Yên” (Peace House Shelter) – nơi trú ẩn an toàn cho những người bị bạo lực do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quản lý, ghi nhận số phụ nữ tới nhà tạm lánh tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018 và 2019. Quản lý của fanpage “Chung tay phòng chống bạo lực gia đình” cho biết: Số lượng người liên lạc, nhắn tin nhờ tư vấn/kêu cứu trong 4 tháng đầu năm 2020 bằng cả năm 2019.
Thạc sĩ giáo dục và phát triển cộng đồng Phan Hà An (TPHCM) cho biết: Cuối tháng 5, khi tình hình COVID-19 đang rất căng thẳng, một bạn học của tôi đột nhiên nhắn tin cầu giúp đỡ. Bạn bị chồng bạo hành, tay phải tổn thương rất nặng gần như không bế được con. Vì chỉ có tôi sống cùng chung cư nên trở thành cọng rơm cứu mạng của bạn. Tôi kiếm cớ đưa thực phẩm lên nhà thì bị chồng bạn chặn ở cửa. Tôi phải nhờ bạn trai lên cùng. Thấy bạn trai tôi cao to, anh chồng hơi sợ. Nhờ thế chúng tôi mới gặp được bạn. Bạn bị đánh rất nặng, và lúc ấy tôi mới biết đây không phải là lần đầu. Tôi đề nghị bạn nên lánh về nhà mẹ đẻ nhưng việc di chuyển lúc này rất khó khăn. Thế là mẹ con bạn tạm lánh ở nhà tôi. Tình hình lúc ấy ngay cả việc giám định thương tật cũng rất khó khăn vì các bệnh viện đều quá tải. Hiện nay bạn tôi đang tiến hành thủ tục ly hôn, nhưng tôi muốn nhấn mạnh là: 3 năm, suốt 3 năm không người thân, bạn bè nào biết bạn tôi bị bạo hành!
Căn cứ vào trường hợp của bạn mình, thạc sĩ Phan Hà An đã cùng một số cộng sự lập ra nhóm Help (hoạt động độc lập và hoàn toàn miễn phí) chuyên để tư vấn, hỗ trợ những phụ nữ “bị bạo hành trong phòng kín”. Chị chia sẻ: “Chỉ trong hai tháng thành lập (trừ tuần đầu chưa có điện thoại nhờ giúp vì mọi người chưa quen), sang tuần thứ hai, trung bình mỗi ngày 6 tư vấn viên phải làm việc 12-14 giờ. Đối tượng hỗ trợ chủ yếu của họ là những phụ nữ làm việc văn phòng, giáo viên, công chức… Đa số những người này vì sĩ diện mà giấu kín việc bị bạo hành. Người bị bạo hành ngắn nhất là một năm, kéo dài nhất là năm năm, tình trạng bạo hành thân thể nhẹ nhất là bị thương ngoài da, nặng nhất có người từng bị gẫy xương chậu, chấn thương não.