Ngày 22 tháng 02 năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Văn bản số 246/SVHTTDL-VHGĐ gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Mục đích nhằm phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc. Đồng thời góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; Nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội
Theo đó, hình thức áp dụng bộ tiêu chí như sau: Trên cơ sở Bộ tiêu chí khung này, các địa phương có thể bổ sung, cụ thể hóa mức đạt của tiêu chí cho phù hợp với đặc điểm văn hóa, dân tộc, phong tục, tập quán riêng của địa phương mình; Các thành viên trong gia đình tự nguyện tuân thủ đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử này và tiêu chí bổ sung, cụ thể của địa phương nơi cư trú (nếu có); Trong chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình trong thời gian tới theo tinh thần Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc thù của các ngành, đơn vị; Tăng cường tuyên truyền lồng ghép trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” “Xây dựng nông thôn mới” “Xây dựng đô thị văn minh”, tổ chức các hoạt động hưởng ứng nhân kỷ niệm các Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11, Tháng hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6 hàng năm); Nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với công tác quản lý nhà nước về gia đình, trong đó có nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình. Coi việc đầu tư cho công tác gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Kịp thời củng cố, thành lập các Câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững – nhóm xung kích phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng các mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng; đường dây nóng; nơi tạm lánh; điểm tư vấn; đội phản ứng nhanh trong phòng, chống bạo lực gia đình; các Câu lạc bộ, đội, nhóm… để góp phần giảm dần tình trạng bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, xây dựng nhiều gia đình hòa thuận, hạnh phúc góp phần duy trì, giữ vững các tiêu chí gia đình văn hóa.