Theo đó, Kết quả xây dựng Mô hình PCBLGĐ tiếp tục duy trì có hiệu quả Mô hình PCBLGĐ tại 143/143 xã, phường/thị trấn. Các Ban Chỉ đạo Mô hình PCBLGĐ được lồng ghép vào Ban Chỉ đạo công tác gia đình cấp xã. Đến nay, tại mỗi thôn, xóm, bản, phố đều thành lập 01 CLB “Gia đình phát triển bền vững”, 01 Nhóm PCBLGĐ hoặc 01 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”. Các Câu lạc bộ, Nhóm PCBLGĐ và Địa chỉ tin cậy đều tổ chức hoạt động thường xuyên và có hiệu quả, giúp thay đổi nhận thức, hành vi của các thành viên trong gia đình, dần hóa giải những bất hòa, rạn nứt hôn nhân, đẩy lùi những xung đột, bạo lực trong từng gia đình. Chính quyền cơ sở đã chỉ đạo các hội, đoàn thể cùng phối hợp, lồng ghép các nội dung về PCBLGĐ với các nội dung sinh hoạt, phong trào của đoàn thể, từ đó huy động đa nguồn lực trong công tác PCBLGĐ. Một số Mô hình PCBLGĐ hoạt động tích cực, hiệu quả, tiêu biểu có thể kể đến như mô hình PCBLGĐ tại: xã Ân Hòa, Như Hòa, Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn), xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh), xã Mai Sơn (huyện Yên Mô)…
Công tác phòng ngừa, can thiệp, xử lí bạo lực gia đình: Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.551 nhóm PCBLGĐ, 1.410 câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững; 170 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình. Cùng với đó, tại các xã, phường, thị trấn thành lập 143 đường dây nóng, 1.169 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân khi xảy ra BLGĐ; thường xuyên bám sát tình hình dân cư, phát hiện, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình… Việc thực hiện các bước trong quy trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp bạo lực gia đình nhìn chung đảm bảo tính nhanh chóng, phù hợp, tuân thủ quy định của pháp luật, thường do các nhóm PCBLGĐ thực hiện, từ đó tránh được những mâu thuẫn, xô xát lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến thân thể và tinh thần của nạn nhân. Việc bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn và khám chữa bệnh cho nạn nhân bạo lực gia đình được thực hiện tại các trạm y tế xã phường, thị trấn, giúp cho công tác hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình được kịp thời. Trong năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 37 vụ bạo lực gia đình được xử lý. Trong đó, có 30 người gây bạo lực được góp ý phê bình tại cộng đồng dân cư; 03 người bị xử phạt hành chính; áp dụng biện pháp giáo dục và xử phạt hành chính 02 người; 02 người chịu phạt tù. Trong số 37 nạn nhân của BLGĐ, đã có 33 người được tư vấn (tâm lý, tinh thần, pháp luật..), 6 người được tư vấn và chăm sóc, hỗ trợ sau khi bị bạo lực và có 02 người tư vấn và đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.