Sáng ngày 12 tháng 11 năm 2021 tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dưới sự đồng chủ trì của Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (trưởng Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam) và Lãnh đạo Vụ Pháp chế đã diễn ra cuộc họp về việc lấy ý kiến góp ý đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Luật Người khuyết tật tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ LĐTBXH và các đơn vị Bộ VHTTDL với sự tham gia của Vụ Pháp chế, Tổng cục Thể dục, thể thao, Tổng cục Du lịch, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Cục Điện ảnh, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Bản quyền tác giả, Cục Di sản văn hóa, Vụ Thư viện, Vụ gia đình.
Luật Người khuyết tật được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Luật có nhiều quy định liên quan đến việc trợ giúp người khuyết tật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Từ khi Luật Người khuyết tật được ban hành và có hiệu lực thi hành (năm 2011) đến nay, Bộ đã tích cực triển khai thực hiện các quy định của Luật để đưa Luật đi vào đời sống, nhất là trong các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao thể lực và đời sống văn hóa, tinh thần cho người khuyết tật, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, bảo đảm quyền bình đẳng của người khuyết tật, giúp người khuyết tật được tiếp cận vối các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Bên cạnh đó, Bộ đã chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân, các thành viên gia đình nói chung, người khuyết tật nói riêng về quyền của người khuyết tật, trách nhiệm của nhà nước, cộng đồng trong việc trợ giúp người khuyết tật.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nêu trên, song Luật vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện các quy định trợ giúp người khuyết tật, cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật theo hướng: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ việc thu thập, biên soạn và xuất bản tài liệu in chữ nổi Braille tiếng dân tộc nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật là người dân tộc thiểu số được tiếp cận với thông tin và truyền thông. Bổ sung các chính sách nhằm trợ giúp đối tượng người khuyết tật trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Cần có quy định cụ thể hơn chính sách miễn, giảm giá vé và giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch đối với từng đối tượng người khuyết tật, đồng thời quy định các khoản miễn, giảm này sẽ được miễn trừ về thuế cho cơ sở kinh doanh. Bổ sung nội dung về công tác gia đình đối với người khuyết tật. Các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu, lồng ghép chính sách trợ giúp người khuyết tật trong các văn bản quy phạm pháp luật nói chung, văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực văn hóa, thể thoa và du lịch nói riêng; quy định ưu tiên, đảm bảo các điều kiện người khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao tại các công trình do Nhà nước đầu tư; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư, hỗ trợ nguồn lực phát triển cơ sở vật chất cho người khuyết tật ở Việt Nam.
Tại cuộc họp này, đại diện các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những đóng góp ý đánh giá tình hình thực hiện Luật Người khuyết tật liên quan trực tiếp tới lĩnh vực đơn vị phụ trách chuyên môn như: Vụ Pháp chế, Tổng cục Thể dục, thể thao, Tổng cục Du lịch, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Cục Điện ảnh, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Bản quyền tác giả, Cục Di sản văn hóa, Vụ Thư viện, Vụ gia đình. Các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự đã gợi mở rất nhiều vấn đề để hoàn thiện xây dựng Luật Người khuyết tật trong thời gian tới.