Tiền lương, thu nhập thực tế của đa số công nhân hiện nay còn thấp so với nhu cầu cơ bản của cuộc sống, không đủ để trang trải cho các chi phí cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Đánh giá về điều này, công nhân cho biết những băn khoăn lo lắng trong cuộc sống: 79,1% không có tích lũy; 69,7% không có nhà cửa ổn định; 38,2% sợ ốm đau không có tiền chữa bệnh; 29,2% lo lắng công việc không ổn định.
Theo quy định của Chính phủ về tiền lương tối thiểu, trong 3 năm gần đây, lương tối thiểu đều tăng. Cụ thể, năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân là 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3%; Ngoài tiền lương cơ bản, NLĐ có thêm thu nhập từ tiền làm thêm giờ, tiền phụ cấp chuyên cần, thâm niên, trách nhiệm, kỹ năng, nhà ở, xăng xe, hỗ trợ đời sống, … (không kể tiền ăn ca chủ yếu phục vụ trực tiếp). Các khoản này chiếm từ 20% đến 25% thu nhập của NLĐ, tùy từng vùng.
Công nhân coi việc làm thêm giờ là một giải pháp để tăng thu nhập khi mà nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống ngày càng tăng. Bởi vậy, chỉ có 62,1% công nhân được hỏi cho rằng gia đình mình thường xuyên sinh hoạt chung đầy đủ mọi người. Trong khi đó, có 27,8% công nhân được hỏi thỉnh thoảng hoặc rất hiếm khi cả gia đình đông đủ các thành viên trong bữa cơm gia đình. Điều này cũng ảnh hưởng đến sự gắn kết gia đình công nhân lao động.
Cũng chính bởi đời sống còn nhiều khó khăn, nên khoảng cách giữa 2 lần sinh khá xa. Đứa trẻ thứ nhất từ 3 – 6 tuổi mới sinh đứa trẻ thứ hai chiếm 42,2% và đứa trẻ thứ nhất trên 6 tuổi mới sinh đứa trẻ thứ hai chiếm 31%.
Tiền lương và thu nhập thấp dẫn đến áp lực về đời sống vật chất khiến bộ phận công nhân chưa lập gia đình khó khăn trong tìm bạn đời, xây dựng hạnh phúc gia đình; bộ phận công nhân đã có gia đình (mà bạn đời cũng làm công nhân có hoàn cảnh tương tự chiếm 68%) cũng phải tằn tiện trong chi tiêu để trang trải cho cuộc sống mà nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng. Chất lượng cuộc sống thấp dẫn ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân và các thành viên trong gia đình.