Cùng với sự biến đổi ý nghĩa của hôn nhân và gia đình theo xu hướng chú ý đến cá nhân, quy mô, loại hình gia đình cũng có sự biến đổi rõ rệt. Quy mô gia đình ngày càng nhỏ và có nhiều loại hình gia đình như gia đình hạt nhân, gia đình mở rộng, gia đình hạt nhân khuyết thiếu, tính đa dạng, phong phú của các loại hình gia đình đang thay thế cho tính đồng nhất về khuôn mẫu của các gia đình. Gia đình mở rộng ngày càng trở nên vắng bóng, trong khi đó gia đình hạt nhân ngày càng phổ biến hơn. Các gia đình hạt nhân chủ yếu là gia đình trẻ, được hình thành trên cơ sở tình yêu và hôn nhân tiến bộ, chịu ảnh hưởng lớn bởi cuộc sống hiện đại. Bên cạnh đó, xuất hiện thêm nhiều loại hình gia đình khác như gia đình đơn thân, gia đình khuyết thiếu, chỉ có bố hoặc mẹ sống với con sau ly hôn, ly thân hay goá bụa. Một số gia đình tồn tại theo kiểu “không hôn thú”, đây là các kiểu gia đình thiếu tổ chức chặt chẽ và không ổn định, không được đảm bảo về mặt pháp lý, ẩn chứa rất nhiều nguy cơ đổ vỡ và bất hạnh. Đáng chú ý là, một loại gia đình khá đặc biệt đã bắt đầu xuất hiện, đó là gia đình của những người phụ nữ hoặc không có cơ hội được làm vợ, hoặc không muốn kết hôn nhưng lại muốn thực hiện quyền làm mẹ và nuôi con một mình. Các gia đình một thế hệ đang tăng lên ở những đôi vợ chồng trẻ chưa muốn sinh con, hoặc không muốn sinh con, họ lấy hạnh phúc đôi lứa làm mục đích chính của hôn nhân. Sự xuất hiện của loại hình gia đình này đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phải giải quyết.
Sự biến đổi của cơ cấu gia đình theo hướng thu nhỏ về quy mô không chỉ là kết quả của việc giảm mức sinh, mà còn là kết quả của những tác động kinh tế – xã hội như chính sách đất đai ở nông thôn, miền núi… Qui mô hộ gia đình giảm đi như hiện nay, một mặt phản ánh sự tiến bộ trong nhận thức về dân số và phát triển của người dân, mặt khác cũng phản ánh sự tan rã của mô hình gia đình truyền thống, đa thế hệ đã từng tồn tại khá phổ biến trước đây. Nếu như gia đình trước đây tồn tại ba, bốn thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà thì hiện nay, quy mô gia đình hiện đại đã ngày càng được thu nhỏ lại. Do tốc độ đô thị hoá mạnh, các thành viên gia đình thay đổi môi trường làm việc, tách khỏi gia đình. Đặc biệt, quy mô hộ gia đình giảm còn do xu hướng tăng lên của những người sống độc thân do không muốn kết hôn, kết hôn nhưng không muốn sinh con, ly thân hay không tái hôn… Chính điều đó đã đặt ra nhiều vấn đề với gia đình người Tày như thiếu công ăn việc làm, bất bình đẳng giới trong phân công lao động, an sinh của các thành viên gia đình, đặc biệt là chăm sóc, giáo dục trẻ em và người già do những biến đổi của cơ cấu gia đình.