Quá trình phát triển kinh tế, hội nhập văn hóa ngày càng sâu rộng cuốn gia đình vào công cuộc mưu sinh, làm giàu, hưởng thụ dẫn đến những thay đổi về chất trong mối quan hệ vợ chồng. Khi các giá trị vật chất, tham vọng về địa vị, quyền lực tác động đến gia đình, cùng với lối sống đề cao nhu cầu hưởng lạc đã làm những giá trị tốt đẹp của gia đình bị bào mòn, nếp nhà xô lệch, trong đó có các giá trị thủy chung, tình nghĩa vợ chồng. Khi hôn nhân tác động bởi quan hệ kinh tế, đề cao lợi ích vật chất thì tính chất hôn nhân trở nên rạch ròi, sòng phẳng, các giá trị đạo đức thủy chung, tình nghĩa cũng đặt trên bàn cân của sự tính toán lạnh lùng.
Giá trị thủy chung, tình nghĩa trong mối quan hệ vợ chồng dựa trên cơ sở bao hàm nhiều phẩm chất đạo đức tốt đẹp: sự tôn trọng, sự nhường nhìn, hết mình vì người khác, sự bao dung, chịu thương chịu khó. Đặc biệt là đòi hỏi ngầm đối với người vợ trong hôn nhân truyền thống trong gia đình hiện đại, việc chạy theo thỏa mãn các giá trị vật chất bằng mọi cách, hoặc sự tồn tại của thói ích kỷ cá nhân, thái độ gia trưởng, sự lười nhác, đểnh đoảng, thói vô trách nhiệm… của vợ hoặc chồng đều làm cho hôn nhân thiếu đi tình yêu thương, sự thủy chung, tình nghĩa ngày càng phai nhạt. Cơ sở của hôn nhân hiện đại được gây dựng từ tình yêu, sự bình đẳng về kinh tế, tri thức văn hóa giữa vợ và chồng, vì vậy, trách nhiệm giữ gìn vun đắp đạo lý thủy chung, tình nghĩa vợ chồng phải được tạo nên cả từ hai phía vợ và chồng.
Đặc biệt trong xã hội hiện đại, phụ nữ có vai trò, trách nhiệm ngày càng tăng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. trong khi lao động nội trợ của họ không được nhận thức thỏa đáng từ phía nam giới đã dẫn tới những bất bình đẳng và hệ quả tiêu cực trong quan hệ vợ chồng. Gánh nặng lao động “kép”, với quỹ thời gian eo hẹp, sức khỏe kém đi theo tuổi tác… gây cho phụ nữ những khó khăn, trở ngại phát triển năng lực, kể cả về thể chất và tinh thần. Họ không nhận được sự cảm thông, chia sẻ, sự bao dung từ người chồng. Cùng với tình trạng bạo lực của người chồng đối với vợ về thể chất, tinh thần, tình dục vẫn âm thầm diễn ra trong gia đình, tất yếu dẫn đến các giá trị thủy chung, tình nghĩa bào mòn
Có thể nói, những tác nhân của xã hội hiện đại tác động đến gia đình (tham vọng làm giàu, quyền lực, vị thế xã hội); những tàn dư của xã hội cũ: thói gia trưởng, bạo lực, nạn ngoại tình của người chồng là những nguyên nhân khiến giá trị đạo đức tình nghĩa, thủy chung vợ chồng trong gia đình hiện đại suy giảm mà biểu hiện rõ nhất là tình trạng ly hôn của vợ chồng trẻ hiện nay tăng nhanh.
Điều này cho thấy, trong mối quan hệ vợ chồng dù trong xã hội truyền thống hay xã hội hiện đại, nếu xa rời đạo lý thủy chung, tình nghĩa thì gia đình sẽ đứng trước nguy cơ rạn nứt, đổ vỡ, ly tán. Đặc biệt, trước những biến đổi phức tạp, đa chiều của xã hội hiện đại, tính bền vững của gia đình hiện đại đứng trước nhiều nguy cơ thách thức hơn bao giờ hết, vì vậy, giá trị đạo đức thủy chung, tình nghĩa trong mối quan hệ vợ chồng cần được giữ gìn, vun đắp trong bối cảnh hiện nay.