Bên cạnh những giá trị đạo đức tích cực trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái; trước sự tác động của các nhân tố kinh tế – văn hóa- xã hội hiện đại, các giá trị đạo đức trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái bộc lộ những hạn chế nhất định.
Thứ nhất, những nguyên tắc đạo đức phong kiến: tôn ti trật tự, trọng nam khinh nữ, bảo đảm quyền tối cao của người gia trưởng là người cha, đã tước đi quyền tự do cá nhân, năng lực phát triển sáng tạo và đời sống hạnh phúc của con người cá nhân. Ý thức hệ gia trưởng đi cùng với nó là sự áp đặt, rập khuôn đã tạo nên sự trì trệ và máy móc trong suy nghĩ và hành động của con người trong quan hệ ứng xử với gia đình và xã hội hiện đại. Việc duy trì hệ ý thức gia trưởng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình hiện đại, trong nhiều trường hợp sẽ tạo nên mối quan hệ độc hại. Việc xác lập quan hệ bình đẳng tôn trọng giữa cha mẹ và con cái trong gia đình là nhu cầu tất yếu trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, mối quan hệ bình đẳng giữa cha mẹ và con cái nếu không dựa trên những nguyên tắc đạo đức của gia đình: sự tôn trọng kính trên nhường dưới, tinh thần trách nhiệm, sẽ dẫn đến tự do vượt khuôn phép, nuôi dưỡng sự ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân phát triển. Tình trạng, một bộ phận giới trẻ có lối sống ích kỷ, tự do buông thả có nguyên nhân từ việc gia đình xa rời các nguyên tắc đạo hiếu truyền thống trong khi coi trọng mối quan hệ bình đẳng giữa cha mẹ và con cái.
Thứ hai, trong đạo đức Nho giáo, “nhà” là gốc của nước, muốn trị được nước phải giữ yên nhà. Vì vậy đạo đức nho giáo luôn tìm cách để củng cố sức mạnh của gia đình, biến nó thành một thể chế chặt chẽ ràng buộc con người. Mỗi người từ lúc sinh ra đến lức lìa đời không thể rời bỏ gia đình, phải luôn giữ gìn, xây dựng gia tộc, nâng cao vị thế gia đình, bởi con cái làm mất thể diện cha mẹ, thanh danh của gia đình là tội bất hiếu. Vì vậy, để thực hiện đạo đức theo Nho giáo, nghĩa vụ của cá nhân là phải làm tròn chữ “Hiếu” đối với gia đình. Đạo hiếu trong gia đình được yêu cầu ở những nội dung sau: Thứ nhất phải tôn kính cha mẹ. Thứ hai, gây dựng cho thân mình làm rạng danh cha mẹ. Thứ ba, giữ danh giá cho mình được trọn vẹn, không làm cho cha mẹ buồn khổ. Thứ tư, nuôi được cha mẹ với lòng tôn kính (bậc cao nhất của đạo hiếu).
Xét đạo hiếu ở khía cạnh tôn kính cha mẹ trong gia đình hiện nay có sự suy giảm rất rõ rệt. Có không ít các gia đình, sự tôn trọng cha mẹ, ông bà không được con cháu coi trọng. Tình trạng con cái vô lễ với cha mẹ qua cách xưng hô, đối xử nhẫn tâm với cha mẹ, ông bà đã làm cho đạo đức trong gia đình và xã hội xuống cấp.
Xét đạo hiếu ở khía cạnh con cái gây dựng cho bản thân mình, làm rạng danh cha mẹ, có thể thấy sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã tạo ra tính năng động cho cá nhân phát triển cùng với quá trình giao lưu hội nhập văn hóa tạo nên sự thay đổi nhận thức của giới trẻ. Bên cạnh một bộ phận lớp trẻ ngày càng thành đạt sớm hơn làm rạng danh cho gia đình, sống có ích cho cộng đồng xã hội thì cũng có một bộ phận thanh niên sống thụ động, lười nhác, trông đợi vào cha mẹ, vô trách nhiệm với bản thân và gia đình. Sự tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin, của mạng xã hội đến giới trẻ trong khi cha mẹ chưa theo kịp với sự thay đổi về tri thức công nghệ cũng góp phần mất đi sự kết nối, sự thông hiểu, tạo nên khoảng cách giữa cha mẹ và con cái gây ra những xung đột thường xuyên trong mối quan hệ này. Điều đó đã làm mất đi tình yêu thương, sự cảm thông giữa cha mẹ với con cái, vì vậy dẫn tới việc con cái có lối sống ích kỷ chỉ lo cho bản thân mình mà thiếu trách nhiệm, vô cảm với cha mẹ. Sự rạn nứt, xung đột trong gia đình đã gây ra những hậu quả tiêu cực về mặt thể chất, tinh thần của cha mẹ và con cái, làm tăng nguy cơ trầm cảm, bệnh tật của người già, người trẻ dễ rơi vào cô đơn, bế tắc trước những áp lực của xã hội hiện đại.
Xét đạo hiếu ở khía cạnh giữ danh giá của bản thân cho trọn vẹn, không làm cho cha mẹ buồn khổ trong gia đình hiện nay cho thấy, khi kết cấu gia đình giữa các thế hệ cha mẹ và con cái lỏng lẻo, hời hợt, sự gắn kết thế hệ đứt gãy khiến cho các thành viên trong gia đình dễ rơi vào những cạm bẫy của xã hội, đánh mất nhân cách của bản thân, làm hủy hoại thanh danh của gia đình. Không ít những gia đình có con cái tuổi vị thành niên tham gia vào các tệ nạn xã hội: đua xe, nghiện ngập, mại dâm trở thành tội phạm xã hội. Không ít những người con trưởng thành sa lầy vào cám dỗ vật chất, tham ô, hối lộ, tình tiền trên thương trường. Sự gia tăng các tệ nạn xã hội của tuổi vị thành niên, tình trạng tội phạm xã hội ở người trưởng thành tăng nhanh trong xã hội hiện đại, có nguyên nhân từ sự suy giảm đạo đức gia đình mà trực tiếp là sự suy giảm về đạo hiếu ở góc độ con cái tự đánh mất nhân cách của mình, gây ra đau khổ cho cha mẹ và những mối nguy hại cho xã hội.
Có thể thấy, hiện tượng suy giảm đạo đức trong mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái đang tồn tại trong xã hội ta hiện nay. Sự đan xen giữa các giá trị đạo đức truyền thống và các giá trị đạo đức hiện đại, giữa cái giá trị và cái phản giá trị là một hiện tượng tất yếu của đạo đức trong sự vận động phát triển của đời sống thực tiễn. Mặc dù, hiện tượng suy giảm đạo đức này không phải là phổ biến trong xã hội nhưng nó có nguy cơ phá vỡ các giá trị đạo đức tốt đẹp của truyền thống dân tộc, làm cho thế hệ trẻ mất niềm tin về hệ giá trị gia đình. Chính vì vậy, cần có những giải pháp mang tính định hướng cho vấn đề này.