Hôn nhân là nền tảng để xây dựng một gia đình mới. Giá trị của hôn nhân thường dựa trên cơ sở tình yêu, tình cảm, sự tôn trọng lẫn nhau, sự ổn định về kinh tế. Xuất phát từ chỗ tình yêu được coi là cơ sở của hôn nhân cho nên việc quyết định lựa chọn người bạn đời và đi đến hôn nhân phải là việc của bản thân hai bên nam nữ. Mặt khác, khi tình yêu giữa hai bên nam nữ không còn nữa thì việc đảm bảo cho họ được tự do li hôn lại thực sự cần thiết vì như vậy là giải phóng cho họ. Như vậy, hôn nhân tự nguyện, tiến bộ cũng đồng thời phải đảm bảo tự do li hôn. Nếu như không thể bắt buộc người ta kết hôn thì cũng không thể bắt buộc họ tiếp tục chung sống cuộc sống vợ chồng, khi hạnh phúc gia đình không thể hàn gắn được.
Khi một cuộc hôn nhân đỗ vỡ, đó là nỗi đau mất mát của hai vợ chồng, song, trong thực tế phụ nữ sẽ gặp khó khăn gấp bội, phải gồng mình để gánh vác trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ, nuôi dạy con và luôn phải chịu áp lực về tài chính, bị thiệt thòi về tâm lý, tình cảm, hiệu suất công việc. Trong thực tế, dù pháp luật đã quy định và tòa án đã có nhiều phương thức để bảo đảm quyền của người phụ nữ khi ly hôn song không phải lúc nào điều đó cũng thành hiện thực.
Chẳng hạn, tự do yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân của vợ chồng được pháp luật ghi nhận. Tuy nhiên, trong thực tế việc thực hiện quyền nhân thân này của người phụ nữ còn vấp phải nhiều trở ngại, khó khăn từ phía gia đình, xã hội và từ chính bản thân người phụ nữ bởi tư tưởng, nếp suy nghĩ coi thường người phụ nữ bỏ chồng hay bị chồng bỏ. Cũng có trường hợp, tòa án đã không chấp nhận yêu cầu ly hôn của người phụ nữ, bởi đánh giá chủ quan của Thẩm phán khi giải quyết yêu cầu ly hôn còn phiến diện dẫn đến hậu quả đau xót khi vợ chồng quay trở lại cuộc sống chung. Đồng thời, trong thực tế tòa án giải quyết ly hôn, không hiếm trường hợp người phụ nữ đã bị đe dọa, gây áp lực về tinh thần và vật chất từ phía người chồng dẫn đến phải từ bỏ quyền ly hôn, quyền nuôi con của mình. Sau khi ly hôn, việc ổn định cuộc sống là một vấn đề hết sức nan giải được đặt ra với người phụ nữ. Bởi vì, khả năng tự lập của họ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những điều kiện khách quan và chủ quan của gia đình và xã hội.
Ngoài ra, hậu quả của việc ly hôn không chỉ là chấm dứt mối quan hệ hôn nhân giữa hai người mà nó còn kéo theo các hệ lụy khác. Việc ly hôn của cha mẹ chính là nỗi bất hạnh của những đứa con, những đứa trẻ trong các gia đình có bố mẹ ly hôn sẽ ảnh hưởng đến việc trực tiếp đến việc hình thành nhân cách và tương lai sau này, thường có những biểu hiện lệch lạc và sa ngã, phạm tội, bố mẹ ly hôn con trẻ thường tỏ ra giận dữ, có những việc làm nông nổi, hung hăng, dễ gặp tai nạn về thể chất, khi lớn lên trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp cộng đồng. Một khía cạnh khác, sau ly hôn cha hoặc mẹ tái hôn, cảnh sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế, tình trạng “con anh, con em”, dẫn đến các bậc cha mẹ có thể thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con cái (bỏ mặc, ngược đãi) tác động sâu sắc không những lên sự nhận thức còn rất non nớt của các em mà con gây ra những bất hòa và tổn thương tâm lý khó hàn gắn được. Hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Bởi gia đình là tế bào của xã hội, khi tế bào không “khỏe” thì xã hội bị ảnh hưởng nhiều mặt. Sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.
Như vậy, ngoài việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong giải quyết ly hôn của tòa án, nhiều vấn đề hậu ly hôn cũng đặt ra cho bản thân người phụ nữ, cho gia đình và xã hội khi các giá trị của hôn nhân không còn nữa.