Một gia đình tốt – một gia đình hạnh phúc sẽ tạo ra những con người biết yêu thương và có trách nhiệm. Nhiều gia đình tốt – hạnh phúc sẽ tạo ra các thế hệ con người Việt Nam mới văn hóa, văn minh, tiến bộ. Các mục tiêu của CNXH ở Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” chỉ có thể thành hiện thực khi mỗi gia đình Việt Nam thực sự no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đó cũng là một nhiệm vụ mà Đảng ta, trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021-2030) đã xác định.
Để có thể hoàn thành mục tiêu đó, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của mỗi người dân về vai trò của gia đình và trách nhiệm xây dựng gia đình mới; về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình, đặc biệt là Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…
Cần làm cho mọi người thực sự coi trọng gia đình, thực sự coi gia đình là nền tàng xã hội, vừa là nơi con người được sinh ra và lớn lên từ tấm bé cho đến khi trưởng thành vừa là nơi nương tựa về tình cảm, chỗ dựa vững chắc về tinh thần trong suốt cuộc đời cả những lúc thuận lợi, suôn sẻ và cả những khi trắc trở, khó khăn. Phải làm cho mọi người cùng hiểu mỗi thành viên có thể mất đi nhưng gia đình là tồn tại mãi. Gia đình Việt Nam, dù điều kiện kinh tế-xã hội có biến động thế nào nhưng trong chiều sâu văn hóa, vẫn gắn bó với họ tộc, tổ tiên, cộng đồng xung quanh, với làng xóm hay khối phố. Và đây là sức mạnh riêng có trong văn hóa gia đình Việt Nam, nó cho con người Việt Nam sức mạnh để tồn tại và phát triển.
Những hiểu biết này sẽ góp phần hình thành quan điểm hiện đại đúng đắn về hôn nhân và gia đình, từng bước thẩm thấu vào đời sống gia đình Việt Nam. Nó thúc giục khao khát xây dựng gia đình hạnh phúc, dựa trên tình yêu, tự do, tự nguyện; nó chấp nhận cả gia đình quy mô nhỏ, ít con và gia đình lớn, đa thế hệ; nó coi trọng hôn nhân dựa trên cả tình yêu và điều kiện cần để xây đắp một đời sống gia đình đủ đầy về vật chất
Hai là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ tiêu chí gia đình “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” trên cơ sở cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình, định hướng cho hành động. Đó phải là mẫu hình gia đình ổn định và có hướng phát triển về kinh tế, các thành viên trong độ tuổi lao động đều có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, có đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương, đủ khả năng để chăm sóc người già, nuôi dạy trẻ em, mua sắm, sử dụng các phương tiện, trang thiết bị cần thiết cho gia đình, thụ hưởng các hoạt động văn hóa tinh thần.
Là gia đình chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tuân thủ hương ước, có mối quan hệ gắn bó, đoàn kết với bà con khu dân cư. Là gia đình có văn hóa, nhất là ứng xử có văn hóa giữa các thành viên trong gia đình, dựa trên “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” (theo Quyết định số: 4843/QĐ-BVHTTDL ngày 08/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Sự vận hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình chứa đựng trong nó những giá trị mà cả cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội đều chấp nhận được, dung hòa trong nó những giá trị truyền thống và hiện đại.
Ứng xử chung trong gia đình phải là sự tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Ứng xử của từng nhóm thành viên thì: vợ chồng phải chung thủy, nghĩa tình; cha mẹ, ông bà với con, cháu phải gương mẫu, yêu thương; con, cháu với cha mẹ, ông bà phải hiếu thảo, lễ phép; anh, chị, em với nhau phải hòa thuận, chia sẻ.
Mỗi thành viên gia đình phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với gia đình. Hoàn thành nghĩa vụ bản thân đối với gia đình sẽ là bước tập dượt để công dân hoàn thành nghĩa vụ với xã hội.
Ba là, tổ chức các hình thức hoạt động xã hội có ý nghĩa và tác dụng tôn vinh gia đình, mà những giá trị được tôn vinh chứa đựng sự kết hợp giá trị truyền thống và hiện đại. Như: Tôn vinh các gia đình tiêu biểu, gia đình văn hóa, trong đó có các gia đình trẻ, các gia đình cao niên; tổ chức các hội thi về văn hóa ứng xử trong gia đình, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; lồng ghép với các phong trào thi đua tại cơ sở các mô hình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”… Luôn lan tỏa, nhân rộng mô hình gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, gia đình no ấm, vượt khó đi lên, khẳng định trên thực tiễn gia đình thực sự là “tổ ấm” của mỗi người, là môi trường văn hóa lành mạnh của xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển gia đình Việt Nam.
Khuyến khích các gia đình có những cách thức sao cho mọi thành viên trong từng gia đình thêm hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn, để từng người đều cảm thấy được quan tâm, được chia sẻ khi trở về nhà. Như chú trọng dành thời gian để cùng trò chuyện giữa các thành viên trong gia đình, tổ chức những “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của các tiện nghi công nghệ, thiết kế những chủ đề truyền thông về gia đình như “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”…
Thực tiễn cho thấy, vừa qua, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội, thì giá trị gia đình bộc lộ những ưu điểm riêng có của văn hóa gia đình Việt. Tổ ấm gia đình luôn là điểm tựa yêu thương, gắn kết, có trách nhiệm với cộng đồng, đã góp một phần tích cực cùng cộng đồng để vượt qua đại dịch. Nó chứng tỏ giá trị truyền thống của gia đình Việt đã luôn là nền tảng, sợi dây liên kết chặt chẽ các thành viên trong gia đình; tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng.
Quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, những nơi có mức hiện đại hóa thấp để có thể duy trì những giá trị truyền thống tốt đẹp đang được bảo lưu cả trong đời sống kinh tế-xã hội, gia đình, phong tục, tập quán, hôn nhân, cưới hỏi.
Bốn là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác gia đình. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết để điều chỉnh nội dung, phương thức lãnh đạo công tác gia đình phù hợp với tình hình thực tế. Chú trọng trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong xây dựng Gia đình văn hóa. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách bảo vệ bà mẹ, trẻ em, phát triển kinh tế hộ gia đình, phổ cập giáo dục, chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn, bạo lực gia đình. Phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị – xã hội, nhất là các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các tổ chức tự quản ở khu dân cư trong việc theo dõi, giáo dục, hòa giải, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn của mỗi gia đình.